Vai trò truyền thông trong gìn giữ hòa bình

Ngày 27-6, đồng loạt các tờ báo có uy tín của Trung Quốc đều đưa tin, Trung Quốc và Việt Nam đồng ý đàm phán giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại, và nhận định đây là tín hiệu cho thấy căng thẳng trong quan hệ hai nước đã bước đầu giảm nhiệt. Đáng chú ý, báo China Daily trích lời nhà nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Bắc Kinh, ông Yang Baoyun, và sau đó Nhân Dân nhật báo trích lại, cho rằng tranh cãi về vấn đề biển Đông chỉ ở một mức độ, nhưng đã bị giới truyền thông thổi phồng lên.

Sự thật ra sao? Trong suốt gần một tháng qua, báo chí mà đa số là báo trực tuyến của Trung Quốc đã nhiều lần đưa tin không đúng sự thật, bình luận thiếu thiện chí, xúc phạm nhân dân Việt Nam và còn đe dọa tiến hành chiến tranh chống Việt Nam. Đối lại, dưới các bài viết đó, đa số ý kiến phản hồi từ độc giả Việt Nam đều kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình và khẳng định nhân dân Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.

Trong nội dung trao đổi giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, có nội dung lãnh đạo hai nước cam kết tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị, lòng tin của nhân dân hai nước.

Điều này có nghĩa lãnh đạo Trung Quốc (và cả Việt Nam) đã nhận thấy vai trò của truyền thông và dư luận tác động rất lớn đến mối quan hệ hai quốc gia láng giềng, đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (tạm dịch là: một lời đã nói, bốn ngựa khó có thể đuổi kịp). Những gì truyền thông Trung Quốc nói trong những ngày vừa qua giờ khó lòng rút lại. Tuy vậy, với hành động giảm nhiệt kịp thời của chính phủ và nguyện vọng được sống trong hòa bình của nhân dân hai nước, hy vọng báo chí Trung Quốc sẽ có thái độ thiện chí hơn.

Thế mới biết, các phương tiện truyền thông không chỉ đóng vai trò trong việc xây dựng và phát triển đất nước, mà còn có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lòng tin trong quan hệ hợp tác quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Dư luận hẳn còn nhớ câu chuyện một tờ báo Đan Mạch đăng ảnh biếm họa xúc phạm nhà tiên tri Mohammad của người Hồi giáo năm 2005, đã xúc phạm lòng tự trọng của người Hồi giáo, mà nguy hiểm là kích động các thế lực Hồi giáo cực đoan tiến hành những hành động khủng bố chống lại phương Tây. Những cuộc biểu tình chống đối đã gây ra nhiều thiệt hại đến tính mạng và của cải. Tòa đại sứ của Đan Mạch tại một số nước đã bị phóng hỏa, hàng chục người đã bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

Khi truyền thông đưa tin quá khích, sai sự thật, không thể không nói đến trách nhiệm của các nhà quản lý. Dù biết rõ một số tờ báo đã thổi phồng sự thật, đã quá khích, làm ảnh hưởng đến quan hệ láng giềng hữu nghị mà nhân dân hai nước đã dày công vun đắp 20 năm qua, nhưng các nhà chức trách Trung Quốc cũng không có ý kiến gì.

Điều này khiến dư luận thế giới đặt câu hỏi nghi ngờ: Phải chăng báo chí Trung Quốc đã đưa tin theo chỉ đạo nhằm thăm dò phản ứng của Việt Nam hay nắn gân Việt Nam? Một số người khác lại đặt câu hỏi, phải chăng truyền thông Trung Quốc khuấy động tình hình biển Đông để hướng dư luận trong nước khỏi các vấn đề khó khăn nội tại của mình như bất ổn xã hội, khó khăn kinh tế…?

Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc kịp thời định hướng đúng đắn dư luận, thông tin khách quan và nỗ lực gìn giữ hòa bình ổn định trong khu vực thì sẽ không có những câu hỏi đầy nghi ngờ như thế! 

Việt Trung

- Thông tin liên quan:

>> Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông

>> Việt Nam - Trung Quốc: Duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông

Tin cùng chuyên mục