Chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Serbia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Trung và Đông Âu (CEE) một lần nữa cho thấy tham vọng xây dựng liên kết chặt chẽ hơn với vùng Balkan của Trung Quốc. Tờ The Diplomat đặt câu hỏi vì sao Bắc Kinh lại đầu tư mạnh vào khu vực đang ngập trong nợ này?
Câu trả lời là Bắc Kinh muốn dùng khu vực Balkan như một cửa ngõ để tiếp cận nhanh chóng vào thị trường còn nhiều tiềm năng như Tây Âu. Những năm gần đây, Trung Quốc tiếp cận Balkan bằng các khoản cho vay trong các dự án năng lượng và hạ tầng cơ sở do các công ty Bắc Kinh thực hiện. Tập đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc đã mua được hai bến cảng quan trọng của Pirée, trong khi 80% lượng hàng hóa của nước này trao đổi với châu Âu được thực hiện bằng đường biển. Bên cạnh việc mua cảng biển, Bắc Kinh còn hợp tác với công ty đường sắt Trainose của Hy Lạp trong vận chuyển hàng. Đường cao tốc trị giá 170 triệu EUR do Trung Quốc xây dựng chạy quanh thủ đô Belgrade của Serbia đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, kế hoạch xây dựng một tuyến đường xe lửa cao tốc nối Belgrade và Budapest đang được xúc tiến. Dự án đường sắt đã nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ Hungary, Macedonia và Serbia.
Hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và CEE phát triển mạnh. Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã lên tới 50 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho tới nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào các nước CEE. Các quốc gia này vốn có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào dòng tiền từ EU đã xem nguồn vốn từ các dự án của Bắc Kinh là một cơ hội quý giá để thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng với Tây Âu.
Theo Diplomat, việc Trung Quốc đầu tư vào Balkan ban đầu khá suôn sẻ nhưng về lâu dài càng cho thấy đây là ván bài mang nhiều rủi ro. Hiện Trung Quốc phải đối mặt với thái độ tẩy chay từ các tổ chức kinh doanh và nghiệp đoàn tại CEE. Cộng đồng doanh nghiệp Serbia cảm thấy bị đe dọa bởi sự cạnh tranh từ Bắc Kinh. Họ cho rằng, mục đích chính của Trung Quốc ở Balkan là để nuôi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh chi phí lao động gia tăng ở thị trường nội địa ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu - sức mạnh kinh tế truyền thống của nước này. Họ lo ngại hình thức đầu tư khai thác cạn kiệt tài nguyên tại châu Phi và châu Mỹ Latinh của Trung Quốc sẽ một lần nữa lại tái diễn ở Balkan. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu lao động từ Trung Quốc đang “hủy hoại” những công nhân ở nước sở tại khi Serbia có lực lượng lao động dồi dào nhưng thất nghiệp. Ngoài ra, còn có mối quan ngại phổ biến rằng quá trình xây dựng và các tiêu chuẩn công nghệ của Trung Quốc không đạt chất lượng như trông đợi.
Hành động của Trung Quốc tại CEE cũng khiến EU không mấy hài lòng. Từ đầu những năm 1990, Brussels có khả năng định hướng sự phát triển của các nước Balkan bởi vì các quốc gia này đã gia nhập vào cơ cấu kinh tế và chính trị của EU. Tuy nhiên, việc Trung Quốc nổi lên như một đối tác quan trọng của các nước CEE thách thức vai trò của Brussels trong khu vực. Nếu EU thành công trong kế hoạch chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Balkan thì Trung Quốc khó lòng tiếp cận thị trường Tây Âu qua cửa ngõ ở khu vực này.
THANH HẰNG