(SGGPO). – Sáng nay, 6-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường các dự thảo Luật Điện lực và Luật Luật sư.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), vẫn cần cho phép luật sư tập sự được bào chữa tại những vụ án đơn giản nếu thân chủ đồng tình. Bên cạnh đó là cho phép viên chức giảng dạy trường Luật được bào chữa tại tòa vì họ có thực tiễn, lý luận.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM Phạm Văn Gòn cũng đồng tình và cho rằng cần mở rộng đối tượng tham gia hành nghề là các viên chức tại các viện nghiên cứu, khoa luật của trường đại học vì họ có năng lực đủ điều kiện thực tiễn. Trái ngược lại ý kiến này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM lại cho rằng, việc cho phép các giảng viên của trường, khoa luật làm công tác bào chữa là không nên vì nếu vừa là thầy vừa bào chữa tại tòa là khó và đây là vấn đề tế nhị do những tác động nhiều chiều có thể ảnh hưởng đến việc bào chữa.
Liên quan đến dự thảo Luật Điện lực, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cho rằng, hiện nay chưa khắc phục được độc quyền trong phát, truyền tải, phân phối điện dẫn đến mối quan hệ bất bình đẳng giữa người bán và người mua. Để khắc phục điều này cần quy định đơn vị cung cấp điện công khai minh bạch cơ chế vận hành điện trong từng thời điểm. Nhà cung cấp công khai thì người tiêu dùng mới yên tâm là tính đúng, đủ theo thị trường.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang cũng đồng tình và cho rằng, mặt hàng điện đang trong tình trạng cung thiếu, cạnh tranh chưa có. Chúng ta đang chấp nhận độc quyền tự nhiên, đó cũng là điều hợp lý hiện nay nhưng giá điện ảnh hưởng đến nhiều người dân nên cần thiết Nhà nước phải can thiệp.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng cho rằng, giá điện phải có sự điều tiết của Nhà nước. Giá điện bán theo thị trường nhưng phải theo khung Nhà nước quy định. Điều này xuất phát từ hai lý do là điện sử dụng tài nguyên quốc gia (than, nước,…) và điện là hàng hóa đặc biệt cần thiết tạo hành lang cạnh tranh trong khung.
NGỌC QUANG