Vấn đề chính đảng trong cách mạng Việt Nam

Vấn đề “độc đảng, đa đảng” gần đây lại được một số người cố tình gây rùm beng làm rối trí một số người. Luận điệu chủ yếu của những người này muốn chứng minh “đa đảng thì dân chủ”, “độc đảng thì thiếu dân chủ”. Có phải vấn đề đơn giản như vậy chăng ? Trong bài này, tôi muốn thử nhìn lại vấn đề chính đảng trong lịch sử cách mạng nước ta hơn 100 năm qua và nhìn vào thực chất vấn đề trong thực trạng nước ta hiện nay.

Vấn đề “độc đảng, đa đảng” gần đây lại được một số người cố tình gây rùm beng làm rối trí một số người. Luận điệu chủ yếu của những người này muốn chứng minh “đa đảng thì dân chủ”, “độc đảng thì thiếu dân chủ”. Có phải vấn đề đơn giản như vậy chăng ? Trong bài này, tôi muốn thử nhìn lại vấn đề chính đảng trong lịch sử cách mạng nước ta hơn 100 năm qua và nhìn vào thực chất vấn đề trong thực trạng nước ta hiện nay.

1. Chính đảng là một hiện tượng ở nước ta mới có từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Trong lịch sử nước ta trước thế kỷ XX chưa có vấn đề chính đảng. Trong các cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong xã hội Việt Nam vẫn có các lực lượng đối lập nhau, giữa yêu nước và xâm lược, giữa chính nghĩa và phi nghĩa v.v… như các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (ví dụ Khởi nghĩa Lam Sơn) hay các cuộc nổi dậy chống phong kiến (ví dụ Khởi nghĩa Tây Sơn) và nhiều sự kiện lịch sử khác song không có vấn đề chính đảng theo ý nghĩa hiện đại của khái niệm này. Dĩ nhiên có các phe phái, đảng phái, chống đối, khuynh loát nhau, bằng bạo lực hay vũ trang để giành thắng lợi, giành chính quyền, về quân sự hay chính trị song các bên không có các chính đảng. Muộn nhất là cuối thế kỷ XIX, các phong trào chống ngoại xâm, bảo vệ vương quyền chính thống và chủ quyền độc lập của quốc gia thường được gọi là các “đảng cần vương” song đó là các lực lượng kháng chiến vũ trang của các nghĩa sĩ đấu tranh cho một mục tiêu cứu nước song không hình thành các chính đảng, tức là các đảng phái chính trị (thường được gọi là nghĩa hội hay nghĩa đảng).

Bước vào thế kỷ XX, dân tộc ta bước vào thời kỳ hiện đại phải đối mặt với thảm họa mất nước vào tay chủ nghĩa thực dân đế quốc câu kết với các thế lực phong kiến phản động trong nước. Từ thân phận những người nô lệ, nhân dân ta phải đoàn kết, đứng lên giành lại độc lập, tự do. Từ thập niên đầu thế kỷ, các phong trào yêu nước cách mạng trên khắp nước lần lượt nổi dậy, nối tiếp nhau, khi hòa bình, khi kịch liệt, như các phong trào Đông Du, Duy Tân/ Minh Tân, Đông kinh Nghĩa thục, phong trào Trung kỳ Kháng thuế, các cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Thái Nguyên, các âm mưu khôi phục của vua Duy Tân và các nghĩa sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên. Nổi bật lên trong các phong trào yêu nước 25 năm đầu thế kỷ là hai nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh cùng các chí sĩ ái quốc và dân chủ khác. Tuy nhiên, hai cụ Phan trong hoạt động của mình cũng chưa có ý tưởng thật cụ thể, rõ ràng về việc thành lập các chính đảng. Các cụ chỉ mới thành lập các nghĩa thục, các hội đoàn, chưa có hình dạng một chính đảng. Cụ Phan Bội Châu sau thất bại của phong trào Đông Du đã nghĩ đến thành lập một đảng cách mạng kiểu hiện đại ban đầu là Việt Nam Quang phục Hội, sau dự tính đổi tên là Việt Nam Quốc dân Đảng theo mô hình của Tôn Trung Sơn và dự định gặp Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Đông để thành lập một Đảng cách mạng mới, song chưa kịp thực hiện thì bị địch bắt, năm 1925, kết thúc hai mươi năm bôn ba hải ngoại, mưu đồ cứu nước.

Khác với cụ Phan Bội Châu chủ trương quân chủ, bạo động, cụ Phan Châu Trinh chủ trương dân chủ, cải lương , “ỷ Pháp cầu tiến bộ” từ trong nước đến ra nước ngoài, cổ động dân chủ, đánh đổ vua quan, song cho đến năm 1925, từ Pháp về nước, hô hào quốc dân “đối mặt với cường quyền áp chế” song cụ Phan Châu Trinh trước lúc qua đời cũng chưa có ý tưởng và ý định thành lập một chính đảng làm nòng cốt cho phong trào yêu nước, dân chủ.

Một nhà yêu nước trẻ tuổi hơn hai cụ Phan sau đó đã thành lập một Đảng cách mạng tên là Việt Nam Quốc dân Đảng, cùng các đồng chí vận động đấu tranh vũ trang, đánh đuổi thực dân Pháp. Đảng này chưa kịp bén rễ trong quần chúng, chưa kịp hình thành lực lượng chính trị, đã tổ chức cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Yên Bái (năm 1930) bị thực dân Pháp trấn áp khốc liệt. Lãnh tụ của Đảng là nhà yêu nước anh hùng Nguyễn Thái Học bị xử tử cùng với các đồng chí trên đoạn đầu đài, để lại một trang sử oanh liệt song chưa để lại một kinh nghiệm gì về thành lập một chính đảng cách mạng và yêu nước có thể lãnh đạo nhân dân đấu tranh cứu nước.

Có thể nói rằng trong 25-30 năm đầu thế kỷ XX, mặc dù phong trào ái quốc trong cả nước hết đợt này đến đợt khác vô cùng sôi nổi, mạnh mẽ song chưa có một chính đảng nào đủ sức đoàn kết, lãnh đạo toàn dân đưa cách mạng mở đường đi đến thắng lợi.

Chính trong thời gian đó, xuất hiện nhà ái quốc vĩ đại, nhân vật lịch sử được chờ đợi: đó là Nguyễn Ái Quốc. Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân thống khổ, đất nước không có đường ra, Nguyễn Ái Quốc đã “ra đi tìm đường cứu nước” và cuối cùng đã tìm thấy con đường đi. Đó là con đường của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, kết hợp cách mạng vô sản thế giới và cách mạng giải phóng dân tộc, kết hợp phong trào đấu tranh của nhân dân yêu nước với nhân dân lao động nghèo khổ trong nước, vạch ra đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ, giành lại độc lập tự do và xây dựng Tổ quốc hạnh phúc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ cách mạng vĩ đại đó, cần thành lập một đảng cách mạng kiểu mới: Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và nhân dân thuộc địa bị nô dịch, liên minh với nhân dân cách mạng toàn thế giới để đấu tranh giải phóng nhân dân lao động và nhân dân thuộc địa bị áp bức theo khẩu hiệu của V. Lênin: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Với lý luận cách mạng và khoa học sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có khả năng xác định đường lối chính trị đúng đắn và đường lối tổ chức vững vàng, có lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng đúng đắn, biết tổ chức và vận động quần chúng đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau, giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Như vậy là sau 30 năm chuẩn bị của lịch sử dân tộc, một đảng cách mạng chân chính mang tính chất tiên phong và tính chất quần chúng đã ra đời, nắm lấy ngọn cờ giải phóng, cứu nước. Ngay từ đầu, chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã quan niệm: Đảng tiên phong là lực lượng lãnh đạo, song sự nghiệp cách mạng là của nhân dân cho nên một đặc điểm có thể nói là sáng tạo hầu như duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam là đồng thời với sự ra đời của Đảng lãnh đạo là sự ra đời của Mặt trận dân tộc thống nhất và tên ban đầu là Mặt trận phản đế. Từ đó cho đến ngày nay, Đảng và Mặt trận luôn gắn bó với nhau tạo thành sức mạnh to lớn và bất khả chiến bại của Cách mạng Việt Nam. Từ ngày 3-2-1930, Đảng cộng sản Việt nam ra đời, nắm lấy ngọn cờ tiền phong do lịch sử Việt Nam trao cho, sau 30 năm đấu tranh qua các phong trào yêu nước và cách mạng. Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cách mạng và yêu nước duy nhất vượt qua mọi cuộc khủng bố, đàn áp đẫm máu, khốc liệt của kẻ thù đế quốc, thực dân phong kiến, bị khủng bố rồi lại khôi phục, từ thoái trào trở lại cao trào, Đảng vẫn tồn tại, phát triển và trưởng thành, trong lúc các đảng khác bị tan rã, suy thoái, tiêu vong. Nói cho đúng, trong hoàn cảnh nước nhà bị lâm vào cơn khổ nạn, chỉ có Đảng cộng sản mới tồn tại được và đứng vững được qua cao trào 30-31, rồi cao trào 36-39, rồi cao trào 41-45 để lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công giành lại độc lập, tự do, dân chủ cho Tổ quốc và nhân dân.

Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu nhà, từ năm 1930, ngoài Đảng cộng sản, cũng có một số “chính đảng” khác tùy thời xuất hiện song đều không đủ sức sống để tồn tại trước ngón đòn khủng bố của giặc. Đó là chưa nói phần lớn các “chính đảng” đó đều là con đẻ của chế độ thuộc địa hoặc là lệ thuộc vào các thế lực ngoại bang, không có cơ sở quần chúng và uy tín chính trị trong nhân dân, cho nên đều không còn tồn tại, không để lại dấu vết trong lịch sử, hoặc giả để lại những vết xấu như các đảng do chế độ thực dân lập ra, các đảng theo đuôi quân nước ngoài, hoạt động chủ yếu để giúp các thế lực xâm lược phá hoại cách mạng và kháng chiến như Đại Việt thân Nhật, Việt Cách, Việt Quốc thân Tàu.

Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Đảng cùng với Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt đoàn kết toàn dân chống Pháp thắng lợi. Sau 1954, Đảng cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức yêu nước trong Mặt trận đấu tranh xây dựng Miền Bắc, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà, Đảng cộng sản dưới các tên Đảng cộng sản Đông Dương, Đảng lao động Việt Nam, Đảng nhân dân cách mạng Miền Nam Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay là Đảng lãnh đạo duy nhất lãnh đạo nhân dân ta giành mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của Tổ quốc Việt Nam.

Dưới chế độ thực dân, thuộc địa mới của Mỹ ở Miền Nam Việt Nam, dưới chính quyền tay sai các loại của đế quốc Mỹ, một số các đảng như Đảng cần lao nhân vị của anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, Đảng dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu đều là các thứ bèo bọt rác rưởi do chủ nghĩa đế quốc nặn ra để phá hoại cách mạng Việt nam, chống lại Đảng cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam và cuối cùng đều bị lịch sử quét sạch.

Vượt qua muôn trùng gian nguy khó khăn, dân tộc Việt Nam ta với một Đảng lãnh đạo, một Mặt trận dân tộc thống nhất, một nhà nước dân chủ, một lực lượng vũ trang nhân dân, một khối đại đoàn kết toàn dân bao gồm mọi đoàn thể nhân dân, mọi tổ chức xã hội đã giành được thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX, tiến sang thế kỷ XXI, mở đường tiến tới tương lai tươi sáng. Lịch sử dân tộc Việt nam, cách mạng Việt Nam đã dành vị trí lãnh đạo duy nhất xứng đáng cho Đảng cộng sản Việt Nam, không một đảng nào cạnh tranh hay đối lập, chia sẻ quyền lãnh đạo của Đảng. Trong tiến trình đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc, sau khi Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo cách mạng, cũng có một số “đảng” hoặc do các thế lực nước ngoài dựng lên, hoặc đứng ra cản trở công cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc, cuối cùng đã bị lịch sử và nhân dân lãng quên, chẳng để lại dấu vết gì trong tâm trí nhân dân ta. Đó là chân lý của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là quy luật của cách mạng, không tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của bất cứ “nhân vật”, “chính khách” nào muốn đứng ra lập đảng này, đảng nọ, mà có thể tồn tại được. Những “chính đảng” được các thế lực ngoại bang dựng lên hay tự đứng ra làm bung xung cho các thế lực đó rút cục đều chịu số phận nhục nhã, như các Đảng Đại Việt, Việt Cách, Việt Quốc, Cần lao nhân vị v.v… thực chất đều là các “đảng” phản động và cơ hội để lại các vết nhơ trong lịch sử và sự khinh bỉ trong lòng nhân dân yêu nước và cách mạng nước ta.

Với thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam: hoàn thành độc lập, dân chủ, thống nhất nước nhà, mở đường phục hưng dân tộc trong thời đại mới vai trò lịch sử của Đảng cộng sản Việt nam được toàn dân thừa nhận, được ghi vào Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam. Chỉ những bọn thù địch nước ngoài và bọn phản bội trong nước mới bất chấp lịch sử, âm mưu gièm pha, phủ nhận, phá hoại sự lãnh đạo đó của Đảng mong phá hoại sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, ngăn bánh xe lịch sử tiến tới .

Tóm tắt lịch sử vấn đề chính đảng ở Việt Nam trong thế kỷ XX là như vậy. Cách mạng cứu nước, kháng chiến gian khổ, lâu dài, quyết liệt chống Pháp rồi chống Mỹ, vượt qua muôn vàn sự hy sinh anh dũng suốt 15 năm (1930-1945), 10 năm (1945-1955) rồi 20 năm (1955-1975), đó là lò lửa rèn luyện khí phách anh hùng, tinh thần chiến đấu kiên cường và bản lĩnh, trí tuệ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam mà không một đảng nào khác đã từng chịu đựng được sự kiểm nghiệm và thử thách đó. Đảng đã cùng dân tộc từ thân phận nô lệ tiến lên vị trí chủ nhân, xóa bỏ tủi nhục mất nước, ghi công thắng lợi vinh quang cho Tổ quốc trong thời đại mới, xứng đáng với tổ tiên trong lịch sử .

                                               X
                                           X     X

2. Suốt 45 năm (1930-1975), toàn dân tộc chiến đấu dưới ngọn cờ lãnh đạo tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đội ngũ rộng lớn của Mặt trận dân tộc thống nhất, đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược hung ác, giành lại giang sơn độc lập, thống nhất, tự do. Trong quá trình chiến đấu gian khổ, anh hùng đó, không một đảng nào khác có thể tranh quyền lãnh đạo, nghĩa là tranh quyền hy sinh, chiến đấu vì dân tộc, vì Tổ quốc với Đảng Cộng sản Việt Nam mà chỉ có thể đồng hành với Đảng trong sự nghiệp chính nghĩa đó. Thắng lợi và vinh quang của Đảng cũng đồng thời là của toàn dân tộc, của Tổ quốc Việt Nam, của mọi người Việt Nam. Trong gian khổ hy sinh, chiến đấu cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam mà mọi người chỉ trước sau một lòng đi theo Đảng, mưu cầu thắng lợi cho sự nghiệp vinh quang của dân tộc .

Sau 30-4-1975, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, giành trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, Đảng cùng với dân tộc tiến lên một giai đoạn cách mạng mới: xây dựng đất nước và cuộc sống hạnh phúc cho toàn dân dưới ngọn cờ của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn cách mạng mới diễn ra trong hòa bình, song không phải là không gian khổ quyết liệt, thậm chí trên nhiều phương diện còn phức tạp khó khăn hơn. Tình hình trong nước, tình hình quốc tế không phải chỉ toàn thuận lợi mà còn nhiều thử thách, trong đó có âm mưu mà các thế lực thù địch từ bên ngoài và của các thế lực cơ hội ở bên trong. Trên con đường đấu tranh giành những thắng lợi mới trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng cần mạnh hơn, Tổ quốc cần mạnh hơn, quan hệ giữa Đảng với dân cần chặt chẽ, thống nhất, bền vững hơn. Bên cạnh các khó khăn, gian khổ khách quan còn có những thách thức do các thế lực thù địch và cơ hội tìm cách gây ra cho Đảng, cho cách mạng nước ta.

Bọn thù địch ngoài nước, trong nước vẫn ấp ủ những âm mưu thâm độc. Một trong những âm mưu truyền thống của chúng là tìm cách thọc gậy bánh xe, tìm cách gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Mặt trận dân tộc thống nhất vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt chúng tập trung gây chia rẽ quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Lợi dụng khó khăn của công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội trong hòa bình, những khuyết điểm khó tránh khỏi trong quá trình xây dựng đất nước, xây dựng Đảng trong thời kỳ mới, các thế lực thù địch và cơ hội tìm mọi cách ly gián nhân tâm, gieo rắc bất hòa, gây bất ổn định chính trị để thực hiện những mưu đồ trước đây bằng chiến tranh xâm lược và hoạt động phản quốc hại dân chúng không thực hiện được. Một trong những âm mưu dai dẳng của chúng là tìm mọi cách công kích Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp tục các luận điệu chống Cộng cũ mèm, tân trang thêm những luận điệu và âm mưu mới, chúng ra sức hoạt động phá hoại gây rối.

Một trong những âm mưu chúng cho là đắc sách nhất đó là lợi dụng tình hình trong nước và quốc tế phức tạp ngày nay lên tiếng đòi thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Mục đích của âm mưu này là đả kích vào Đảng Cộng sản Việt Nam, hạ thấp và phá hoại sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Vu cáo Đảng ta là “độc tài”, “độc đảng”, “toàn trị”, đàn áp dân chủ và nhân quyền, họ liên tục đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Gần đây nhất, họ đòi thành lập đảng mới, đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tranh giành quyền lãnh đạo với Đảng, mưu mô tiến tới giành quyền lãnh đạo của Đảng, mở đường lật đổ, xóa bỏ thể chế chính trị hiện hành, thành quả của một thế kỷ đấu tranh cách mạng của nhân dân và của Đảng.

Trong chiến tranh, chạy trốn sang hàng ngũ giặc làm những kẻ phản quốc, trong hòa bình chạy ra nước ngoài, thành lập các đảng lưu vong, giờ đây chúng lại hy vọng nhen nhóm các đảng đối lập ở trong nước để âm mưu thực hiện cái gọi là “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ phản cách mạng.

Lợi dụng sự nghiệp đổi mới, quá trình mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa của chế độ chúng ta, bọn này dùng các phương tiện truyền thông ra sức vu cáo chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản là mất dân chủ, phải thực hiện đa đảng mới có dân chủ, tự do .

Thâm ý của họ là diễn lại kịch bản “diễn biến hòa bình” ở một số nơi, tạo điều kiện và lý do cho bọn đế quốc từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, trước mắt là gây mất ổn định chính trị, phá rối cuộc sống hòa bình xây dựng của nhân dân ta. Sau nhiều năm hoạt động lẻ tẻ không có kết quả gì , gần đây chúng lại rộ lên với lời lẽ khiêu khích hơn và hành động trắng trợn hơn.

Khác với thời kháng chiến, tuyên truyền đa đảng chỉ làm lộ mặt phản phúc của bọn phản phúc, ngày nay họ cho rằng: kêu gọi đa nguyên đa đảng là hợp lúc, hợp thời do tình hình trong nước có khó khăn và tình hình quốc tế rất phức tạp dễ gây hoang mang cho những người chưa kịp suy nghĩ về lịch sử và thực tiễn của nước nhà, dễ bị lừa dối, dao động cho nên họ luôn kêu gọi: Đa đảng! Đa nguyên! Dân chủ! Nhân quyền!

Sự thật lịch sử và chân lý cuộc sống trên đất nước ta chứng minh rõ ràng: Đa nguyên, đa đảng không hề đồng nghĩa với dân chủ, nhân quyền. Tàn bạo, độc ác, chuyên chế như chế độ thực dân cũ, mới, mọi bọn ngụy quyền phản quốc, phản dân đã từng đa đảng, đa nguyên. Trái lại, chỉ chuyên nhất sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản suốt 45 năm rồi 40 năm mà đã nhất quán đưa  nước ta lên tầm cao lịch sử của thời đại. Vấn đề không phải là nhiều đảng thì dân chủ, một đảng thì độc tài. Vấn đề là đảng đó là đảng nào? Đảng vì nước, vì dân hay đảng phản nước, phản dân. Đảng của các anh hùng, chiến sĩ hay đảng của  bọn lừa bịp, lưu manh chính trị? Đảng độc lập tự chủ, suy nghĩ bằng đầu óc của mình, hành động bằng bản lĩnh của dân tộc anh hùng, giai cấp tiên phong hay cúi đầu nghe theo, làm theo sự xúi giục, sai khiến của bọn ngoại xâm?

Khuyên các nhà “chính khách” đầu óc nô lệ, sùng ngoại, bán thân làm kẻ phá rối sự bình yên của nước nhà rằng: Ngôn luận và hành vi của các vị chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là chống lại các thành quả cách mạng thiêng liêng của đất nước, của dân tộc Việt Nam, nuôi ảo tưởng “đục thủng” Đảng Cộng sản Việt Nam để tìm cách lật đổ chế độ hiện hành, gây tổn thất cho đời sống kinh tế và chính trị, văn hóa và xã hội, hạnh phúc và bình yên của nhân dân và sẽ không tránh khỏi không trước thì sau bị sự trừng phạt và loại bỏ, bêu riếu và sỉ nhục của Tổ quốc cũng như của lịch sử như những kẻ phản bội, cùng loại với mọi kẻ phản bội từ trước đến nay trong lịch sử nước nhà, nhất là trong thế kỷ trước bước sang thế kỷ này. Sự công minh của lịch sử sẽ tuyên bản án phản bội đủ mọi đẳng cấp cho những kẻ phản bội đủ mọi màu sắc, chống lại sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc và của nhân dân.

                                                                              Tháng 9-2013
                                                                               GS Nghiêm Minh
                                         Nhà giáo Nhân dân – Đảng viên Đảng CS Việt Nam

Tin cùng chuyên mục