Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, văn hóa của dân tộc, đồng thời tiếp thu, chắt lọc tinh hoa nhân loại, tinh hoa đạo đức cổ - kim, Đông - Tây, bằng sự vận dụng tài tình phép duy vật biện chứng mácxít với thực tiễn đấu tranh cách mạng của Việt Nam và cuộc đời hoạt động thực tiễn của Người để sáng tạo ra một hệ thống tư tưởng, quan điểm về đạo đức mới - đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản.
Thống nhất về tư tưởng và hành động
Sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Nhưng tình hình hiện nay, thời cơ đan xen thách thức, có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ đối với Đảng cầm quyền, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Đứng trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững bản chất giai cấp công nhân. Đảng ta đã nhận thức được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc... là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Vì vậy, Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới, nhằm làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Đảng về đạo đức song hành với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Phải thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội đối với xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Để thực hiện hiệu quả, cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Xây dựng và cụ thể hóa các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu, nội dung nêu gương theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, cần vận dụng, cụ thể hóa nội dung tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh thành quy định cụ thể trên từng vị trí công tác, đối với từng loại công việc với mỗi ngành, địa phương, gắn với hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.
Đảng muốn trong sạch, vững mạnh thì từng tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên đều phải trong sạch, vững mạnh. Đảng là một khối thống nhất về tư tưởng và hành động. Từ Trung ương đến cơ sở, đến mỗi cán bộ, đảng viên luôn đề cao lòng trung thành, sự kiên định lập trường tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh
Chú trọng gắn xây dựng Đảng về đạo đức với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Làm cho việc thực hành đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một nhu cầu và động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên. Trong đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt nêu gương thực hành đạo đức sẽ thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Cùng với xây dựng Đảng về đạo đức phải kết hợp với đấu tranh thường xuyên, kiên quyết với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cùng với đó là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội và đóng góp vào công tác xây dựng Đảng về đạo đức.
"90 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm, thách thức, Đảng không ngừng rèn luyện và trưởng thành, đất nước Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngày càng khẳng định vị thế và uy tín trên trường quốc tế, đúng như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm quốc gia 90 năm Ngày thành lập Đảng: “Đảng ta thật là vĩ đại, nhân dân ta thật là anh hùng”. Bí quyết của thành tựu này không ở đâu xa ngoài việc học tập, nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Người trong xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng Đảng theo tư tưởng của Người mãi là một nhiệm vụ trọng yếu để Đảng luôn là “Đảng cầm quyền”, đội tiên phong giàu sức chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua các khó khăn, thách thức, xứng danh Đảng “là đạo đức, là văn minh”, là hiện thân của trí tuệ và lương tri của dân tộc, của thời đại" |
Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình mới. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm kỷ luật đảng.
Có nơi, có lúc, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế, bên cạnh việc giáo dục thì việc quyết tâm thực hiện và làm theo mới thực sự đem lại ý nghĩa thiết thực trong việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo Bác. Nói phải đi đôi với làm, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Những biểu hiện “nói mà không làm”, “nói hay nhưng làm dở”, “nói người nhưng mình không làm”... của một bộ phận cán bộ cần phải được đấu tranh, phê phán. Biểu dương, tôn vinh tạo sức lan tỏa từ hình ảnh những cán bộ, đảng viên, tấm gương người tốt, điển hình tiên tiến tận tụy, trung thành, vì nước, vì dân để động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo. Mặt khác, thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp, kiên quyết xử lý và loại trừ những biểu hiện vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.
Hiện nay, công tác xây dựng Đảng đứng trước những thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sức mạnh của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ và vận mệnh của dân tộc. Do đó, việc vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng về đạo đức, góp phần trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII là việc làm cần thiết, phù hợp với nhu cầu xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ gốc, xây dựng sức mạnh nội sinh cho cách mạng. Hơn bao giờ hết, cần phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tham gia xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.