
Tại cuộc tọa đàm mang tên “Văn học thiếu nhi với người viết hôm nay” vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, đã nhận xét: “Ở nước ta đang tồn tại nghịch lý là có cả một nền văn học cho thiếu nhi, nhưng mười năm lại đây, lại không có tác giả viết cho thiếu nhi nổi bật”. Minh họa rõ nhất cho nhận xét này nằm chính ở mảng truyện tranh, thể loại sách được thiếu nhi yêu thích nhất.
- Lóe ra cơ hội cho truyện tranh VN
Trong hầu hết các cuộc khảo sát xã hội về nhu cầu đọc sách hiện nay ở lứa tuổi thanh thiếu niên, truyện tranh luôn nằm ở vị trí dẫn đầu, bất chấp việc nhiều ý kiến cho rằng loại sách này không phải là tác phẩm văn học. Lý do chính mà mọi người đều đồng ý, rằng truyện tranh là sản phẩm trung gian giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn. Truyện tranh hiện đại đã đạt đến mức gần như một tác phẩm điện ảnh được thể hiện trên giấy, ở đó người đọc sẽ phát huy ít nhất khả năng đọc và vận dụng tối đa khả năng nhìn.
Cũng chính vì tính trung gian đó mà truyện tranh lâm vào cảnh “cha chung không ai khóc”, một dòng tác phẩm quan trọng của văn hóa giải trí thiếu nhi lại hoàn toàn bị bỏ quên. Ngược lại, các quốc gia xung quanh như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc đã có sự chuyên nghiệp hóa rất cao trong việc sáng tác truyện tranh. Sản phẩm truyện tranh Việt Nam vì thế đành chấp nhận thua ngay trên sân nhà!

Truyện tranh là sản phẩm văn hóa được thiếu nhi Việt Nam ưa thích, chỉ đáng tiếc là còn quá ít tác phẩm đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Ảnh: T.V.
Đầu tháng 8-2009, tại Hồng Công đã diễn ra Liên hoan Phim hoạt hình-Truyện tranh-Game 2009 (Festival Anime Comic Game Hongkong 2009), một trong những sự kiện lớn trong lĩnh vực kinh doanh truyện tranh ở châu Á. Chính từ liên hoan này, đã lóe ra một cơ hội cho truyện tranh Việt Nam.
Đó chính là sự suy thoái của truyện tranh ở các cường quốc về lĩnh vực này. Truyện tranh Nhật Bản hầu như không tham dự, chỉ giới hạn ở một số tác phẩm cũ đã thành danh từ lâu. Hai người khổng lồ mới là Hàn Quốc và Trung Quốc cũng lâm vào bế tắc đề tài, quanh đi quẩn lại vẫn là những tác phẩm cũ được làm mới, tái bản…
Sự suy thoái của các tác phẩm truyện tranh ngoại không chỉ thể hiện ở liên hoan vừa qua mà còn đang diễn ra trực tiếp ở trong nước. Việc thiếu hụt các tác phẩm mới đã làm thị trường truyện tranh trong nước chìm lắng hẳn đi trong thời gian gần đây. Trong khi đó, nhu cầu vẫn cao nhưng cung cấp lại thiếu hụt, đã tạo ra khoảng trống thị trường mà các nhà làm truyện tranh trong nước có thể tận dụng cơ hội này.
- Cái hậu của lòng quyết tâm
Khi được hỏi, truyện tranh Việt Nam thiếu gì, ông Trí Đức, Trưởng ban biên tập truyện tranh của NXB Trẻ nói vỏn vẹn một câu: “Lòng quyết tâm”. Ông nhắc lại một bài học, mà trong lĩnh vực truyện tranh ở Việt Nam hầu như ai cũng biết, đó là việc xuất bản bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt của Công ty Phan Thị. Đây là bộ truyện tranh Việt thành công duy nhất trong vòng gần 10 năm lại đây. Thế nhưng, ít ai biết được rằng trong hơn 10 tập đầu bộ truyện tranh này phải chịu cảnh ế ẩm, bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị đã phải cắn răng chịu đựng, chật vật quảng bá, để dần dần bộ sách mới có thể được bạn đọc chấp nhận.
Nhắc lại thành công của Thần đồng đất Việt để cho thấy rằng, dù chưa thể chuyên nghiệp như các nước trong lĩnh vực sản xuất truyện tranh, nhưng không phải là chúng ta không thể làm được những tác phẩm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong nước. Cơ hội nay đã mở ra, áp lực cạnh tranh đang giảm bớt, năng lực, khả năng thực hiện cũng đã đạt mức cơ bản, vấn đề chỉ còn nằm ở lòng quyết tâm của các nhà làm sách.
Và để có được sự quyết tâm đó, những nhà làm sách cũng đang rất mong chờ sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà văn trong nước, mà Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn là cơ quan chuyên trách
TƯỜNG VY