Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TPHCM luôn phát huy vai trò dòng chủ lưu

Trong khuôn khổ Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật của 3 hội VHNT Hà Nội, Huế, TPHCM, ngày 21-3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TPHCM sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định, giá trị VHNT Hà Nội - Huế - TPHCM là một bộ phận quan trọng, là những giá trị tiêu biểu, nền tảng của văn hóa Việt Nam. Mỗi thành phố đều xây dựng và tạo nên gương mặt VHNT riêng, bản sắc riêng, đa dạng, muôn vẻ trên nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa Việt Nam. Chính từ những bản sắc riêng, đặc điểm riêng đã tạo nên bức tranh tổng thể của văn học nghệ thuật Việt Nam.

“Có thể nói trong dòng chảy của VHNT Việt Nam nói chung thì VHNT 3 thành phố luôn giữ và phát huy vai trò của mình là dòng chủ lưu trong tồn tại và phát triển. Điều này được minh chứng bằng những đóng góp qua các sản phẩm sáng tạo VHNT từng giai đoạn lịch sử, mang ý nghĩa văn hóa cũng như ý nghĩa xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước”, NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Chung nhận định, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM cho rằng, trong hoạt động văn học, nghệ thuật của 3 địa phương, bên cạnh giao lưu, hội thảo, văn nghệ sĩ của Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TPHCM cần chung tay sáng tạo, cùng đóng góp nguồn lực thực hiện những công trình văn học, nghệ thuật chung, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng hiện nay…

Đời sống văn học, nghệ thuật 3 thành phố ngày càng sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng đề tài, phong phú thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện. Đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, công cuộc đổi mới đất nước, nhất là các vấn đề lớn, phức tạp, nóng bỏng của đời sống xã hội được phản ánh chân thực, sinh động hơn trong các loại hình văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới đã ra đời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần hình thành nên nguồn lực và động lực nội sinh để phát triển đất nước.

Tại hội thảo, PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đánh giá cao những thành tựu của VHNT nước nhà trong chặng đường 50 năm qua, trong đó nhìn nhận VHNT của 3 thành phố như là trụ cột, là điểm sáng của VHNT nước nhà.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, thời gian tới, bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn, quảng bá giá trị tinh hoa văn hóa của VHNT, các văn nghệ sĩ cần nỗ lực hơn để có những tác phẩm có chất lượng cao, giá trị để đời.

Tin cùng chuyên mục