Văn học, nghệ thuật Thủ đô vì nhu cầu hưởng thụ của người dân

Ngày 29-8, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. 
Nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức, dàn dựng công phu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân
Nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức, dàn dựng công phu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân

Văn học, nghệ thuật được quan tâm đầu tư

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, sau 15 năm, nền văn học nghệ thuật Thủ đô đã có những bước chuyển mình quan trọng. Các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân Thủ đô. Các phong trào nghệ thuật quần chúng có bước phát triển sâu rộng, toàn thành phố hiện có 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 79,3%. Thông qua các hoạt động văn học, nghệ thuật, các nghệ sĩ đã thể hiện được tài năng và nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân của họ đối với những vấn đề của đời sống xã hội.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn học nghệ thuật được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Tính từ tháng 12-2014 đến 12-2015, Hà Nội đã tiến hành kiểm kê đối với 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã với 1.793 di sản được kiểm kê và đưa vào danh mục…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị

Cùng với đó, quy hoạch không gian văn hóa nghệ thuật sáng tạo, khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở được triển khai tích cực, từng bước hoàn thiện phù hợp với tổng thể quy hoạch đô thị Hà Nội. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đẩy mạnh. Chất lượng đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa văn nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật được nâng lên.

Bên cạnh đó, công tác triển khai tuyên truyền theo hướng "phủ xanh thông tin tích cực cũng như đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học nghệ thuật trong tình hình hiện nay, nhất là trên không gian mạng được thể hiện rõ ràng, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", trong đó lấy "xây" làm cơ bản. Hoạt động giao lưu hợp tác về văn hóa nghệ thuật giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc tạo dấu ấn quan trọng…

Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện với diễn biến phức tạp, thay vì các nghệ sĩ biểu diễn ở nhà hát theo cách truyền thống thì biểu diễn trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số với "Nhà hát online", "Phòng trưng bày online", các vở diễn, chương trình đã đến được với khán giả trong và ngoài nước.

Phấn đấu thành trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa

Tham luận của các đại biểu tại hội nghị đều khẳng định, qua 15 năm triển khai, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả, thành tựu đáng khích lệ. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận nỗ lực, kết quả, thành tích của toàn thành phố trong phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Thủ đô; biểu dương những tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực trong thành tích chung của thành phố. Đồng thời khẳng định, thành công lớn nhất, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự chuyển biến nhận thức đối với lĩnh vực văn hóa, phát triển con người, trong đó có văn học, nghệ thuật. Các cấp, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa trong việc phát triển bền vững, hội nhập và phát triển, nhận thức sâu sắc hơn phát triển văn hóa đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội...

Để tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị các cấp, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ Thủ đô nêu cao trách nhiệm, lòng tự hào và khát vọng xây dựng Thủ đô, sáng tạo và phát triển tác phẩm văn học, nghệ thuật làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, góp phần xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa.

Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã khen thưởng 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) trên địa bàn Hà Nội; 26 tập thể và 21 cá nhân cũng vinh dự nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục