Văn học tự ý thức

Thời cuộc thay đổi, thơ cũng phải thay đổi. Thơ thay đổi, phê bình và đọc thơ cũng phải thay đổi.

Christofer Fredriksson trả lời báo Thể thao - Văn hóa, số 142, 28-11-2006: “Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem người nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng. Nhưng dường như ở Việt Nam các nghệ sĩ ít thích bàn về điều này, họ thường thích làm tác phẩm hơn là nói về các tác phẩm của mình. Họ cho rằng tự tác phẩm đã nói lên điều đó. Nhưng ở trường chúng tôi lại khác, khi một nghệ sĩ làm nghệ thuật thì điều đầu tiên họ phải được học về các vấn đề lý luận nghệ thuật. Sau đó họ bắt đầu viết các dự án nghệ thuật thành các bài viết, rồi mới đến công việc thực hiện các ý tưởng đó. Công việc này được lặp đi lặp lại trong các năm học. Do đó khi một người nghệ sĩ ra trường có nghĩa là họ đã có một năng lực lý luận nhất định”.

Ít bàn, ông nói, nhưng thực ra là: không bàn, không muốn bàn, không dám bàn vì không khả năng bàn, thậm chí dị ứng với lý luận. Người làm văn học nghệ thuật chúng ta luôn dừng lại ở phong trào là vậy. Nhiều nhà thơ Việt Nam luôn chịu định mệnh một tác phẩm, một bài thơ là thế. Không thể đi xa… Không ít sáng tác có dấu ấn là sáng tác ăn may, ăn mòn vào năng khiếu “trời cho”.

Quan niệm sáng tác ảnh hưởng không nhỏ vào bế tắc của người sáng tạo. Trong kỳ Đại hội những người viết văn trẻ năm 2000, hầu hết các nhà văn nhà thơ khi được hỏi về nghề viết đều đồng loạt quan niệm (hoặc không quan niệm gì cả) văn chương là trò chơi. Nhất là nhà thơ.

Dường như nhà văn ở ta chưa bao giờ suy tư quy mô về nghệ thuật, suy tư có tính nền tảng và rốt ráo. Các trào lưu văn học nghệ thuật nảy nở và phát triển sôi động ngoài kia cứ không là gì cả, với ta. Chương trình văn chương các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (có thể kể luôn Trường viết văn Nguyễn Du) còn ít biết đến sự có mặt của chúng trên thế giới nữa là!

Nhiều nhà thơ (chuyên nghiệp) phương Tây luôn mang ở tự thân khả tính phê bình, hay đồng thời là một nhà phê bình, thậm chí, một nhà mỹ học.

***

Phê bình văn học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.

Là khoa học, nó đòi hỏi người viết bao quát được vấn đề, lập luận vững chắc, dẫn luận phong phú và chính xác, bên cạnh lý giải thuyết phục. Không đạt các tiêu chí đó, người viết chỉ là kẻ hóng hớt tán chuyện đầy vô bổ.

Là nghệ thuật bởi phê bình yêu cầu ở người viết độ nhạy cảm cao với cái mới, có khả năng thẩm định tác phẩm/vấn đề chưa từng được biết/bàn luận tới trước đó. Đứng trước cái tinh khôi, người làm phê bình cần huy động cảm quan thiên phú để có thể tiếp cận khía cạnh vi tế nhất của sự thể.

Ngoài ra nó đòi hỏi cách diễn đạt linh hoạt cho mỗi vấn đề. Để chính tác phẩm phê bình phải là một công trình nghệ thuật. Một nhà phê bình viết văn tồi thì chớ nên làm phê bình.

Yếu tố sau cùng là, nhà phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại - một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở ở thời đại toàn cầu hóa.

Trước khối lượng khổng lồ tác phẩm ra lò, không ai tự nhận quán xuyến tất cả các sáng tác khác lạ và cả khác nhau ấy. Một nhà phê bình chỉ có thể chọn lựa một quan điểm thẩm mỹ nhất quán để làm phê bình.

Lâu nay, chúng ta rất ngại đi vào vùng xoáy dễ sa sẩy của sáng tác mới, của hôm nay. Tinh thần ngại phiêu lưu khiến các nhà phê bình luôn tìm chốn trú ẩn an toàn trong miền sáng tác thuộc hệ mỹ học đã được thời gian thẩm định và lưu kho.

Phê bình hôm nay đang thiếu và thừa. Thiếu tư thế cần thiết nên thừa sự tránh né, cả nể. Thiếu giữ một khoảng cách cần thiết với đối tượng nên phê bình dễ tạo cảm giác thừa tinh thần phe nhóm, cánh hẩu. Thiếu thẩm quyền chuyên môn, do đó, các nhận xét đều thừa ý kiến vừa xu thời vừa bất cập, tùy tiện. Cuối cùng, thiếu hiểu biết về lao động nghệ thuật của kẻ sáng tạo cùng lòng say mê nghề nghiệp của người làm phê bình, nên thừa bài viết theo sơ đồ sáo ngữ được làm sẵn, ở đó hoàn toàn vắng bóng suy tư (Th. Adorno).

***

Thói quen thơ quy định lối thưởng thức thơ của chúng ta. Bài/tập thơ nào vừa vặn với tầm mong đợi, vùng thưởng ngoạn của mình thì được cho là hay. Và chúng ta nhân danh người đọc phê phán các loại thơ khác, rất vô tư! Nhưng độc giả (văn chương) hôm nay đang ở đâu? Họ đã chuẩn bị được gì, để đón nhận sáng tác mới lạ?

Đã không ít nhà phê bình cổ vũ cái mới nhưng bởi lý giải thiếu thuyết phục nên người đọc càng dị ứng với cái mới hơn. Độc giả văn học, bởi thế, cứ nếp cũ mà thưởng thức thơ.

Có thể nói, yếu tố tạo nên thành công lớn của Thơ Mới chính là độc giả. Người đọc tương lai của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… đã được làm quen với các tên tuổi như Lamartine, Hugo, Musset, Vigny, Rimbaud, Baudelaire… ngay từ thuở ngồi ghế trung học. Được trang bị như thế, họ không vồ vập đón nhận những Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Lửa thiêng, Tiếng thu, Điêu tàn hay Thơ say… mới là chuyện lạ đời! Cho nên Thơ Mới, dù bị các cụ đồ Nho phản đối kịch liệt lúc mới xuất hiện, nó vẫn làm nên cuộc cách mạng lớn trong thơ Việt.

Truyền thống và hiện đại, phương châm mươi năm qua ta thuộc lòng ở cửa miệng. Nhưng nhà văn đã làm được gì? Có vẻ ta vẫn cứ nghiệp dư. Nghiệp dư từ kẻ sáng tác cho đến người đọc lẫn nhà phê bình. Nền văn học tự ý thức là nền văn học mà cả ba bộ phận trên biết phản tỉnh trước trì trệ của mình, lạc hậu với thế giới, không bắt nhịp kịp với đời sống và cả tụt hậu với văn hóa dân tộc. 

Inrasara

Tin cùng chuyên mục