Công tác phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn còn rất chậm

Vẫn lo ngại bội chi vượt trần

Bội chi NSNN năm 2017 có thể tăng thêm do chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (khoảng 33%) từ năm 2016 chuyển sang, giải ngân vốn ODA vượt dự toán...

Trình bày báo cáo tại phiên họp UBTVQH sáng 15-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2017, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Tính đến hết tháng 4-2017, Chính phủ đã thực hiện phát hành 81,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của NSNN theo dự toán. 

Vẫn lo ngại bội chi vượt trần ảnh 1 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp UBTVQH.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban cơ bản thống nhất với Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ. Người đứng đầu Ủy ban TCNS lưu ý, Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017, vì vậy, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN cần sớm hoàn thiện. “Công tác ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm, Nghị định chung hướng dẫn Luật NSNN ban hành ngày 21-12-2016, sau thời điểm xây dựng dự toán NSNN năm 2017. Đến tháng 4-2017, Chính phủ mới ban hành được 7 Nghị định cần thiết để hướng dẫn Luật NSNN (theo Phụ lục đính kèm)”, ông Hải nêu rõ.

Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát và đề xuất ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn để Luật NSNN đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực.

Về phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2017, ông Nguyễn Đức Hải phân tích, việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giao trước, thẩm định sau (kiểm tra sau) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự toán NSNN 2017 là biện pháp đổi mới có ý nghĩa tích cực, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, còn một số trường hợp phân bổ vốn đầu tư chậm hoặc chưa phân bổ hết dự toán, công tác thẩm định giao dự toán kéo dài, phân bổ vốn đầu tư thành nhiều đợt… Chính phủ cần đôn đốc khẩn trương thực hiện việc phân bổ và giao dự toán ngân sách đúng quy định. Ông Hải nhấn mạnh: “Phần lớn vốn Trái phiếu Chính phủ chưa giao hết dự toán cho bộ, ngành, địa phương sẽ tác động lớn đến việc triển khai nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội thông qua”.

Đặc biệt, về chi NSNN năm 2017, Ủy ban TCNS cho rằng công tác phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn còn rất chậm; đến nay, vẫn chưa có phương án phân bổ hoàn chỉnh, một số khoản vốn vẫn chưa phân bổ chi tiết; nhiều dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện, thủ tục để phân bổ vốn, tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thiện thủ tục.

Bên cạnh đó, một số khoản chi về an sinh xã hội đã có trong dự toán được Quốc hội quyết định, nhưng một số chính sách sửa đổi, ban hành chậm dẫn đến thực hiện chậm, như: chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế, thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp xã hội, hỗ trợ hộ nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế…

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân cũng chậm, do các thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập, nhiều quy định chồng chéo.

Về bội chi NSNN năm 2017, đa số ý kiến lưu ý và cho rằng, bội chi NSNN năm 2017 có thể tăng thêm do chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (khoảng 33%) từ năm 2016 chuyển sang, giải ngân vốn ODA vượt dự toán, nguồn vay bù đắp bội chi của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ các nguồn vốn vay, bảo đảm giữ tổng mức vay của NSNN trong phạm vi giới hạn cho phép (340.157 tỷ đồng) như Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời giảm mạnh số chuyển nguồn sang năm 2017, bảo đảm mức bội chi năm 2017 không vượt cao hơn nhiều mức bội chi 3,5% GDP đã được Quốc hội quyết định.

Tin cùng chuyên mục