Vẫn “nóng” tuyển sinh đầu cấp

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên tuyển sinh đầu cấp bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo quy định của Luật Cư trú. Đặc biệt, sau khi Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất thí điểm không phân tuyến đối với tuyển sinh lớp 1 và lớp 6, công tác tuyển sinh dự báo sẽ có nhiều xáo trộn.
Học sinh Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) trong ngày khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) trong ngày khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng tốc cập nhật dữ liệu học sinh

Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, nếu đề xuất thí điểm không phân tuyến đối với tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 trên địa bàn quận 8, quận Tân Bình và TP Thủ Đức được UBND TPHCM thông qua, bản đồ GIS (hệ thống thông tin địa lý giáo dục giúp xác định khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh - PV) là cơ sở quyết định việc bố trí chỗ học cho học sinh. Theo đó, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp sẽ căn cứ nơi ở thực tế của học sinh, không phân biệt địa giới hành chính phường, xã để bố trí chỗ học sao cho khoảng cách từ nhà đến trường là ngắn nhất. Riêng 19 quận, huyện còn lại vẫn tuyển sinh theo hình thức phân tuyến theo địa giới hành chính phường, xã, nhưng không yêu cầu học sinh nộp hộ khẩu hay giấy tạm trú.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết, UBND quận Tân Bình đã có văn bản chỉ đạo các phường phối hợp lực lượng công an rà soát số lượng học sinh trong độ tuổi vào học lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn. Trong đó, các dữ liệu thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, mã định danh của học sinh được yêu cầu cập nhật đầy đủ để phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp. Dựa trên cơ sở dữ liệu này, phòng GD-ĐT sẽ tham mưu UBND quận bố trí chỗ học phù hợp với từng học sinh, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 Dương Văn Dân thông tin, địa phương đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp. Dự kiến, năm học 2023-2024, toàn quận có hơn 4.900 học sinh vào học lớp 1 công lập.

Theo đại diện các phòng GD-ĐT, thời gian tới, việc quản lý cư trú của người dân trên địa bàn thực hiện theo hình thức số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã định danh. Do đó, công tác tuyển sinh đầu cấp sẽ triển khai trên cơ sở cư trú thực tế của người dân, không yêu cầu hộ khẩu nhằm đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian đi lại của phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo SGGP, phó trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm thành phố cho rằng, những địa bàn chịu áp lực lớn về giải quyết chỗ học cho học sinh thì tuyển sinh theo phương thức phân tuyến hay nơi cư trú đều đòi hỏi sự công bằng, minh bạch. Đơn cử, nếu tuyển sinh theo địa chỉ cư trú, 2 học sinh có khoảng cách từ nhà đến trường bằng nhau thì đâu là tiêu chí phụ để xác định học sinh nào vào học, học sinh nào bố trí qua trường khác? Mặt khác, sau khi có kết quả phân bố trường học, nếu học sinh thay đổi nơi cư trú thì có cần thay đổi hồ sơ nhập học hay không là vấn đề cần được tính toán.

Căng mình đón “rồng vàng”

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, năm học 2023-2024, toàn quận có khoảng 6.000 học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9), nhưng có đến hơn 11.000 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học (lớp 5 lên lớp 6). Như vậy, áp lực giải quyết chỗ học cho học sinh trên địa bàn tăng mạnh do số lượng trẻ có năm sinh “rồng vàng” (năm 2012, năm nay vào lớp 6) khá lớn. Thời gian tới, phòng GD-ĐT sẽ sử dụng mã định danh của học sinh thay cho sổ hộ khẩu, đối chiếu với thông tin cư trú do phụ huynh đăng ký trên trang thông tin tuyển sinh của quận để phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp.

Một trong những điểm mới của tuyển sinh đầu cấp năm nay là triển khai hoàn toàn theo hình thức trực tuyến, học sinh lớp 5 không cần đến trường tiểu học rút hồ sơ giấy để nộp cho trường THCS. Thay vào đó, phụ huynh học sinh chỉ cần ngồi nhà, kiểm tra thông tin và xác nhận nhập học trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh đầu cấp của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Năm học 2023-2024, TPHCM tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển vào lớp 6 đối với các trường “hot” có yêu cầu tuyển sinh đầu vào cao như THCS Nguyễn Du (quận 1), THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), THCS Vân Đồn (quận 4)… Riêng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) là trường duy nhất trên địa bàn TPHCM xét tuyển học sinh vào lớp 6 qua kết quả bài khảo sát năng lực. Đối với tuyển sinh vào lớp 10 công lập, hình thức đăng ký trực tuyến được áp dụng chung cho cả 3 nguyện vọng lớp 10 thường và các nguyện vọng lớp 10 chuyên, tích hợp. Năm học 2023-2024 là năm cuối cùng TPHCM tuyển sinh lớp 10 không chuyên trong 2 trường chuyên là THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa; đồng thời tiếp tục tuyển sinh lớp 10 chuyên tại các trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) và THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6).

Theo Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh, công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 triển khai hoàn toàn theo hình thức trực tuyến nên các đơn vị trường học có trách nhiệm hỗ trợ phụ huynh học sinh hoàn tất xác định mã định danh cho học sinh. Riêng đối với tuyển sinh vào lớp 10 công lập, học sinh lớp 9 bắt buộc phải có căn cước công dân gắn chip để phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp.

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Xét tuyển khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn: Giải tỏa băn khoăn về việc làm, học phí

Xét tuyển khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn: Giải tỏa băn khoăn về việc làm, học phí

Học các ngành Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) chủ yếu là học thuộc lòng, không cần tư duy nhiều và ra trường khó tìm việc làm... Đó là những băn khoăn mà bạn đọc gửi đến các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thông tin tuyển sinh khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn” do Báo SGGP tổ chức ngày 1-6.

Giáo dục hội nhập

Giải thưởng Võ Trường Toản

Giải thưởng Võ Trường Toản: 25 năm chở trọn đạo người Thầy longform

Nghề giáo được ví như nghề đưa đò, chuyên chở học trò đến bến bờ tri thức; dẫn đường, khai mở hành trình thành nhân, lập nghiệp. Trên hành trình ấy, người thầy chịu biết bao trở lực, thử thách. Năm 1998, với trách nhiệm xã hội của mình, Báo SGGP lên ý tưởng tổ chức một giải thưởng dành để tôn vinh người Thầy, giải thưởng lấy tên cụ Võ Trường Toản, người thầy nổi tiếng của đất Sài Gòn - Gia Định xưa, ra đời. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, 1/4 thế kỷ, giải thưởng đã trở thành điểm tựa của biết bao người Thầy.

Học bổng Nguyễn Văn Hưởng

CLB Medseeds tổ chức hoạt động rèn kỹ năng cho sinh viên ngành y

Trong 2 ngày 22 và 23-10, CLB Medseeds (gồm các sinh viên đã và đang được trợ giúp từ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP) đã tổ chức 2 buổi thảo luận với chủ đề “Cần chuẩn bị gì để xin học bổng du học” và “Phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên y khoa”. 

Giải thưởng Tôn Đức Thắng

Viết những ước mơ

Trong hàng ngàn sáng kiến, cải tiến được ứng dụng vào thực tiễn do những công nhân, kỹ sư đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng thực hiện, có không ít nỗ lực của các nữ công nhân, nữ kỹ sư ngày đêm cần mẫn tìm tòi, nghiên cứu. Nhiều sản phẩm, ý tưởng của các chị được ứng dụng vào thực tiễn, không chỉ mang lại giá trị cho đơn vị mà còn nâng tầm sản phẩm Việt.