Thiếu nhà hát biểu diễn

Mặt bằng “vàng” lại...…bỏ không?

Ngành văn hóa thông tin TPHCM đã đạt được những thành tựu không nhỏ trong việc phục vụ nhu cầu của nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, củng cố các thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy nhiên về mặt quản lý và phát huy cơ sở vật chất sẵn có của ngành văn hóa còn nhiều hạn chế, thậm chí đang có sự lãng phí lớn!
Mặt bằng “vàng” lại...…bỏ không?

Ngành văn hóa thông tin TPHCM đã đạt được những thành tựu không nhỏ trong việc phục vụ nhu cầu của nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, củng cố các thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy nhiên về mặt quản lý và phát huy cơ sở vật chất sẵn có của ngành văn hóa còn nhiều hạn chế, thậm chí đang có sự lãng phí lớn!

  • Dự án: Triển khai rồi... hủy

Trước giải phóng, ai cũng biết rạp Olympic tại số 97 Nguyễn Thị Minh Khai quận 1. Đây là khu vực trung tâm, đường lớn hai chiều, lề đường thoáng rộng nên tổ chức hoạt động sân khấu hoặc chiếu phim rất hiệu quả. Trong 30 năm qua, đầu tiên nơi đây là Nhà Nghệ thuật quần chúng TP, rồi Trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ phương pháp NVH- CLB TP, Trung tâm văn hóa dân tộc TP và hiện nay là Trung tâm Văn hóa TP (TTVHTP) thuộc Sở VHTT.

Mặt bằng “vàng” lại...…bỏ không? ảnh 1
TTVHTP đã tháo gỡ nóc, trở thành nơi để xe! Ảnh: AN DUNG

Những năm đầu, tuy ọp ẹp nhưng rạp vẫn còn sáng đèn sân khấu qua các hội thi văn nghệ quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, tập dượt các chương trình trước khi đi diễn ở các tỉnh và nước ngoài.

Do quá cũ nát, gần xập, không bảo đảm an toàn nên rạp đã được tháo dỡ từ khoảng 3 năm qua và hiện đang bỏ không cho cỏ dại mọc.

Mặt bằng gần 1.000m2 ngay mặt tiền đường lớn ở trung tâm thành phố được coi là “mặt bằng vàng” đã và đang bị lãng phí một cách đau xót không thể tưởng tượng được.

Toàn bộ những hoạt động tại chỗ của TTVHTP (thu hút mỗi năm hàng trăm ngàn lượt người tham dự) đành bó tay. Ngày 11-7 và 18-10-2006, TTVHTP đã làm văn bản đề nghị Sở VHTT cho phép TTVHTP được làm chủ đầu tư xây dựng trụ sở, và trước đó Ban VHXH HĐNDTP khi đến khảo sát tại đây cũng đã có ý kiến ủng hộ đề nghị trên. Nhưng đến nay tất cả đều rơi vào im lặng?

Trước đây, Ban quản lý dự án (QLDA) trực thuộc Sở VHTT đã có giấy phép xây dựng nơi đây, nhưng sau đó điều chỉnh không làm hội trường mà làm sân khấu đa năng cho công tác biểu diễn, hội họp, hội nghị, hướng dẫn nghiệp vụ phương pháp NVH-CLB, nhưng cứ chỉnh tới chỉnh lui, câu dầm đến khi hết hạn thời gian và hủy dự án.

Năm 2001 có giấy phép xây dựng, đến khoảng 2004 mất dự án do quá hạn. Phải truy cứu trách nhiệm thuộc về ai để xảy ra tình trạng này? NS Nguyễn Văn Sanh nói thẳng: “Chính là Ban quản lý dự án Sở VHTT làm chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, TTVH chỉ là đơn vị thụ hưởng”.

  • Ban Quản lý dự án Sở VHTT gây nhiều bức xúc!

Gần tương tự như TT VHTP là Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã nhận rạp Kim Châu từ nhiều năm qua để làm “Nhà hát Bông Sen”, nhưng hiện nay cửa đóng then gài, bỏ trống do chưa sửa chữa xong. Tháng 9-2005 đã ngưng diễn để chờ sửa chữa nâng cấp. Thiết kế xong, đã trình duyệt các thủ tục nhưng cứ bị kéo dài.

Theo kế hoạch xây dựng Nhà hát Bông Sen chủ yếu để phục vụ khách du lịch. UBNDTP đã họp nhiều lần và chỉ đạo phải quyết tâm thực hiện dự án này “đụng đến đâu gỡ đến đó”, nhưng tới nay Ban QLDA vẫn dẫm chân tại chỗ. Trong khi ấy, các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát trong ngành văn hóa đã đầu tư dàn dựng xong các chương trình để đưa vào “Nhà hát Bông Sen” biểu diễn.

Ngành du lịch đã xem và ủng hộ các chương trình gồm: Bông Sen có 2 chương trình “Hội ngộ Sài Gòn”, “Giao duyên”, Công ty Tổ chức Biểu diễn nghệ thuật TPHCM có chương trình “Bức tranh quê hương”, Nhà hát Trần Hữu Trang có “Dạ cổ hoài lang”, NH nghệ thuật hát bội có chương trình “Giới thiệu nghệ thuật hát bội”, đoàn rối có “Giới thiệu rối nước- rối cạn Việt Nam”, đoàn xiếc có “Giới thiệu nghệ thuật xiếc Việt Nam”.

Những chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch này đã tốn rất nhiều kinh phí nhà nước và công sức diễn viên, đành đắp mền nằm chờ gây lãng phí lớn về kinh tế và văn hóa. Sự kéo dài gây lãng phí này tính ra mất hàng tỉ đồng và mất cơ hội phục vụ phát triển du lịch trong những thời điểm quan trọng.

Khi được hỏi nếu Nhà hát Bông Sen làm chủ dự án thì tình hình có khá hơn không? NS Nguyễn Hữu Phần, GĐ Nhà hát nhận xét: “Tất nhiên của chúng tôi thì chúng tôi phải tính, vì làm để mình xài nên phải nỗ lực làm chứ. Làm phải có hợp đồng kinh tế, đấu thầu, bảo đảm chất lượng, thu chi ngân sách đàng hoàng. Không thể lãng phí thời gian tiền của được”.

Hoàn cảnh hiện nay đối với nhiều công trình xây dựng trong ngành văn hóa còn dang dở, chính là vấn đề chưa quyết toán được, hoặc nghiệm thu đại khái. Vì người thụ hưởng khác, người chủ đầu tư khác (Ban QLDA Sở VHTT) nên họ đâu cần tiết kiệm, miễn sao vẫn giữ phần cho mình làm là được!!!

Mặt bằng “vàng” lại...…bỏ không? ảnh 2

Nhà hát Bông Sen - một địa điểm khá đẹp trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 - đã cửa đóng then cài, không biểu diễn từ 1 năm qua! Ảnh: Th.D.

Rạp Hưng Đạo của NH Trần Hữu Trang cũng gặp tình cảnh tương tự. Dự án sửa chữa xong từ 6 năm qua vẫn chưa quyết toán tiền bạc sòng phẳng. Ban QLDA còn thiếu nợ Nhà hát 54 triệu 839 ngàn đồng.

Trưởng ban QLDA, ông Thống Nhất, cho biết chi tiền đó cho công trình khác rồi nhưng chi cho ai, và thực tế có chi hay không thì không ai biết được? Theo chương trình nâng cấp cải lương, rạp Hưng Đạo được chủ trương của thành phố cho xây mới từ 3 năm qua (trị giá 67 tỉ đồng), nhưng tới nay vẫn chưa nhúc nhích dù thiết kế đã duyệt và các bước thủ tục đã được thực hiện.

Nghệ sĩ Quốc Hùng, GĐ Nhà hát Trần Hữu Trang nói: “Tôi mừng quá đi khoe, các nghệ sĩ cũng mừng lắm. Nhưng khoe riết mắc cỡ quá vì công trình này không biết còn kéo dài đến bao giờ. Mình là người thụ hưởng, được chút nào mừng chút nấy đâu dám cự cãi”.

Một số nghệ sĩ cho biết chuyện lãng phí cơ sở vật chất dành cho hoạt động văn hóa hiện nay là nỗi bức xúc chung của những người liêm chính trong Sở VHTT. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng bị kéo dài lê thê, nay lại phát sinh thêm 9 tỉ đồng ngoài dự toán ban đầu?

Công trình sửa chữa nâng cấp Bảo tàng thành phố (Dinh Gia Long cũ) thi công rất bôi bác. Kiến trúc sư Mai Lê Minh được phân công giám sát không dám ký xác nhận, vậy mà người ta vẫn duyệt nghiệm thu. Theo cơ quan chức năng, ở đây đã có dấu hiệu cố ý làm trái gây hậu quả tương đối nghiêm trọng?

Công trình sửa, nâng cấp Nhà hát kịch TP (rạp Công Nhân) trị giá gần 1 tỉ đồng lấy từ nguồn cho thuê rạp Lệ Thanh, nhưng chưa thể quyết toán được vì quá trình thi công có nhiều chuyện đáng ngờ và chất lượng xây dựng kém. Đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu từng làm GĐ Nhà hát cho biết như vậy.

Lãng phí cơ sở vật chất nêu trên không những gây thiệt hại về kinh tế, làm chậm lại sự phát triển của những hoạt động văn hóa lớn trong thời đại hội nhập và giao lưu quốc tế, mà còn gây ảnh hưởng đến niềm tin và cần được mở rộng điều tra làm rõ để xử lý đúng pháp luật. 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục