(SGGP).- Tại hội thảo “Nhân sự 2016 - Vũ khí tối ưu trong cuộc chiến thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài” tổ chức tại TPHCM ngày 15-12, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cho biết hiện đang phải đối mặt với sự chuyển dịch lao động mức độ ngày càng cao, đã và đang có sự cạnh tranh quyết liệt về nhân sự giữa các DN trong nước và nước ngoài, cũng như giữa các DN Việt Nam. Điều này đã khiến cho giá nhân sự không ngừng leo thang. Theo tính toán của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Le Group, để tuyển một nhân sự có trình độ, công ty của ông đã phải trả lương tăng gấp đôi so với 5 năm trước.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào ngày 31-12-2015, cũng đồng nghĩa AEC sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. Sức nóng từ hội nhập đã thúc đẩy việc đầu tư, kinh doanh vào khu vực AESAN gia tăng mạnh mẽ. Trong năm 2015, nhu cầu về tuyển dụng nhân lực của các DN Việt Nam tăng 57% so với năm 2014. Số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, năm 2014, gần 50% DN trong khu vực ASEAN có nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề ở nhiều lĩnh vực. Việt Nam có 43,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là thế mạnh, nhưng điều đáng suy nghĩ là suất lao động của Việt Nam lại đứng vào loại thấp nhất trong khu vực, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 với Thái Lan, 1/18 với Singapore. Các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp ngoại ngữ còn thiếu và yếu. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2014 chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á.
AEC sẽ mở ra cơ hội lớn cho số đông lao động có tay nghề vì hiện có tới 8 ngành nghề (gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch) được dịch chuyển tự do về việc làm, bởi nhiều nước trong khu vực đã chấp nhận bằng cấp ngang nhau. Do vậy khi hội nhập, bên cạnh những thách thức về cạnh tranh hàng hóa thì xu hướng “chảy máu” chất xám chắc chắn sẽ diễn ra.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần đổi mới cơ cấu giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của các DN. Mặt khác, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, quan trọng không kém là cần coi đào tạo nghề nghiệp là đầu tư cho phát triển, ưu tiên đầu tư trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành, từ đó hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội.
THÚY HẢI