Không có ngày nghỉ, thu nhập bấp bênh
Cô T.Thảo (ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) than: “Hàng nhiều, làm không kịp thì phải thức, vì không giao đúng hẹn sẽ bị hủy sản phẩm, mình sẽ mất tiền công. Bây giờ người may gia công nhiều, mình không làm thì người ta giao cho người khác ngay”.
Đối với rất nhiều gia đình, may gia công là việc chính để có nguồn thu nhập, do vậy nhiều khi tham công tiếc việc, cứ nhận hàng suốt. Cứ như thế họ miệt mài làm việc không biết đến ngày nghỉ, để mong trang trải cho cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, sự cố gắng của những người may gia công không phải lúc nào cũng được đền đáp, họ phải chật vật với những đồng tiền thu nhập ít ỏi.
Chị Thu (ở quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Nếu mình không có máy, đến may tại nhà của chủ thì họ sẽ trả mình 10.000 đồng/giờ”. Đây là mức lương quá thấp, thậm chí còn thấp hơn mức lương của một sinh viên đi làm thêm ở các quán nước hoặc nhà hàng thức ăn nhanh (trung bình 12.000 - 15.000 đồng/giờ). Người may gia công đôi khi bị chủ dồn ép trừ bớt tiền lương. Người kiểm hàng rất khắt khe với người may gia công, chỉ vì may lỏng một hoặc hai mũi chỉ, họ phải may lại hoặc đền bù toàn bộ lô hàng.
Cô T. Thảo chia sẻ: “Cô ở Long An lên đây làm, thấy mình quê mùa, họ không tin tưởng, cái gì cũng xét nét quá mức, nhiều khi giao hàng xong phải tháo ra làm lại hết, coi như tiền công lô hàng đó mình mất trắng”.
Những người may gia công đôi khi còn đối mặt với những rủi ro hủy mã hàng. Khi họ đang may dở dang, mặt hàng đó không được thị trường đón nhận, nhà sản xuất sẽ hủy không làm nữa, đối với số hàng chưa giao thì người may không được nhận tiền công. Những người chủ sản xuất không hề quan tâm đến hoàn cảnh người thợ may mà chỉ tính cách có lợi cho mình.
Nghề bạc bẽo
Những người thợ may gia công thường nhận hàng từ các nhà sản xuất, nhà phân phối lớn để may và nhận tiền theo mỗi đầu sản phẩm mình làm được. Với mẫu hàng nào họ cũng dồn hết công sức vào từng đường kim mũi chỉ. Khi bộ trang phục được hoàn thành đẹp mắt, người mua thường chú tâm vào tên nhà may, tên nhà thiết kế, mà không nhớ đến những người trực tiếp làm ra sản phẩm ấy.
Chị Đào (ở quận 9, TPHCM) cho biết: “Có lần mình đi chợ gặp ngay mấy mẫu hàng mình đã may, có người khách đến mua, nói với người chủ cửa hàng là nhà thiết kế giỏi quá, mẫu đẹp, nhà sản xuất cũng lựa vải rất hợp, nhưng không nghe nói gì đến người may. Thực chất, thiết kế đẹp hay vải tốt đều không thể tạo ra sản phẩm nếu không có thợ may. Thấy rất là tủi thân”.
Với những bộ trang phục không bán được nhiều thì lỗi lại thuộc về người may. Thông thường, khách hàng sẽ cho rằng người may không có kinh nghiệm hoặc người may kết hợp màu sắc quá xấu. Nhưng trên thực tế, những người may gia công chỉ ráp hàng theo yêu cầu của nhà sản xuất. Tức là họ không có quyền quyết định số đo, màu sắc hay chất liệu sản phẩm.
Chị Đào chia sẻ: “Mình là người hay tiếp xúc khách hàng, nhiều khi mình thấy mẫu đó sẽ không ăn khách nhưng mà nói thì chủ không nghe, còn la mình. Rồi khi không có người mua lại đổ cho mình may xấu. Thật sự là không biết sao cho vừa lòng hết mọi người”. Thậm chí, họ không được chính những người trong gia đình đồng cảm. Cô Nga tâm sự: “Mấy đứa nhỏ không thích tôi làm việc này, nói rằng may đồ chỉ rơi dơ nhà, lúc nào cũng có bụi, mất vệ sinh, rồi tiếng máy may làm ồn nữa. Tôi buồn lắm, nhưng vẫn ráng làm để nuôi tụi nhỏ ăn học, mai mốt không phải làm nghề giống mình để bị coi thường nữa”.
May gia công là một nghề chân chính và đáng được trân trọng như tất cả những ngành nghề khác. Những khó khăn, vất vả mà họ đã và đang phải chịu đựng cần được sự quan tâm và chia sẻ từ gia đình cũng như xã hội.