
- Có thể xem xét, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng
- Vấn đề cốt lõi: chủ doanh nghiệp tư nhân thấy được lợi ích của tổ chức chính trị
“Nơi nào quán triệt tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, người đứng đầu cấp ủy quan tâm và đảng viên giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp tư nhân thì việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể sẽ thuận lợi hơn” - đồng chí Dương Quan Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM nhấn mạnh một trong những bài học sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy TPHCM về “Đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân” khi trao đổi với PV Báo SGGP.
Sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp tư nhân - vấn đề mấu chốt
- PV: Vấn đề mấu chốt là cần có sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) về việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể, xin đồng chí nói rõ thêm điều này?
Đảng viên của Công ty Sapuwa trao đổi kinh nghiệm trong việc cải tiến mẫu mã sản phẩm. Ảnh: Việt Dũng
Đồng chí DƯƠNG QUAN HÀ: Tôi cho rằng, vận động chủ DN đồng thuận là việc làm trước tiên và quan trọng để tiến tới thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong DNTN.
Tuy nhiên, vấn đề hoạt động có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào yếu tố khác, chẳng hạn năng lực của bí thư chi bộ, nội dung sinh hoạt Đảng, sức chiến đấu của từng đảng viên và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, Đoàn TNCS.
Trong 5 năm qua, với năng lực, phẩm chất và tính tiền phong của người đảng viên, nên trong hàng ngũ bí thư cấp ủy có gần 60% đảng viên được tín nhiệm, cử giữ chức chủ tịch-phó chủ tịch HĐQT hoặc giám đốc-phó giám đốc DNTN, chủ tịch công đoàn. Quan trọng là chủ DNTN không chỉ thấy được từng đồng chí có trình độ, năng lực để bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý mà thấy còn thấy được lợi ích thông qua từ những hoạt động thực tiễn của chi bộ Đảng và tổ chức đoàn thể góp phần ổn định và xây dựng phát triển DNTN.
- Vậy đó là lợi ích gì, thưa đồng chí?
Lợi ích cuối cùng của chi bộ và đoàn thể không ngoài mục đích nào khác là giúp cho DNTN phát triển. Như vậy, giữa chủ DNTN và tổ chức chính trị có cùng một chí hướng, cùng phát triển, cùng chăm lo cho nhau và bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, DNTN và người lao động.
Ở những nơi làm tốt, nội dung sinh hoạt chi bộ tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục người lao động an tâm làm việc, chấp hành kỷ luật lao động, vận động các chủ DNTN giải quyết kịp thời những vướng mắc của công nhân, qua đó góp phần hạn chế đình công, lãn công. Có nơi, chi bộ cùng công đoàn DNTN phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương mở các lớp dạy văn hóa, ngoại ngữ, nâng cao tay nghề cho công nhân, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao…
Khi chủ DNTN thấy đó là những hoạt động thiết thực, đem lại hiệu quả thì họ tìm mọi cách tạo điều kiện cho chi bộ và đoàn thể hoạt động. Trong 5 năm qua, số tổ chức Đảng thành lập tăng 4,8 lần so với 5 năm trước; tổ chức công đoàn tăng 2,3 lần và tổ chức Đoàn - Hội tăng 6 lần so năm 2002, điều đó khẳng định chủ trương đúng đắn của Chỉ thị 11 của Thành ủy TPHCM, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân và nhiệm vụ chính trị hiện nay.
Vẫn là nhận thức tư tưởng!
- Như vậy, lợi ích của tổ chức chính trị trong DNTN là rõ ràng, nhưng tại sao TP hiện mới có khoảng 20% DN (quy mô 500 lao động trở lên) và 5% DN (quy mô 100-500 lao động) có tổ chức Đảng?
Vấn đề là ở nhận thức tư tưởng! Thời gian qua, công tác tuyên truyền chưa được các cấp ủy thực hiện sâu rộng và thường xuyên. Chính vì vậy, nhiều chủ DNTN còn e ngại, sợ ảnh hưởng đến thời gian lao động, kết quả sản xuất, thậm chí còn lo ngại công đoàn đứng ra tổ chức… đình công giống như ở các nước tư bản (!?). Còn bộ phận đảng viên dù có việc ổn định ở DNTN nhưng chưa tích cực chuyển sinh hoạt về nơi làm việc vì lo ngại không hoàn thành nhiệm vụ do chi bộ phân công. Do vậy, từ nay đến năm 2010, các cấp ủy cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác tư tưởng, giáo dục, thuyết phục đảng viên đang công tác tại DNTN, chủ DNTN và người lao động ủng hộ và thấy rõ ý nghĩa thành lập tổ chức chính trị trong DNTN cũng là nhằm mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, vì lợi ích của DNTN, tập thể và người lao động.
- Một số DNTN dù có tổ chức Đảng, đoàn thể nhưng hoạt động vẫn chưa thuyết phục được chủ DNTN, phải chăng chủ DNTN chưa thấy lợi ích của tổ chức chính trị trong DNTN hay hoạt động của tổ chức chính trị chưa hiệu quả?
Có nhiều lý do, nhưng trước hết là do chi bộ và đoàn thể lúng túng trong hoạt động, vận động quần chúng. Có chi bộ (như ở 2 DNTN ở quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh) không nắm bắt và kiến nghị giới chủ giải quyết kịp thời những lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nên để xảy ra đình công, lãn công. Nhiều chi bộ chưa chứng tỏ được vị trí, vai trò hạt nhân chính trị, chưa xác lập vai trò lãnh đạo và định hướng hoạt động đoàn thể quần chúng.
Thiếu sót này có nguyên nhân sâu xa là một số quận-huyện chưa tập trung đầu tư, chỉ đạo quyết liệt, còn khoán trắng cho ban tổ chức cấp ủy. Song cũng phải thừa nhận, đây là lĩnh vực mới và khó, lại chưa có kinh nghiệm nên không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ sắp tới, đòi hỏi cấp ủy địa phương phải đổi mới cách làm và phương thức lãnh đạo, như: phân công đảng viên cùng sinh hoạt Đảng với chi bộ DNTN để hỗ trợ và giải quyết kịp thời những vướng mắc của chi bộ cũng như của DNTN; làm việc ngoài giờ hành chính; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho cán bộ Đảng, đoàn thể; hướng dẫn chi bộ, đoàn thể về nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình hoạt động của DNTN…
- Đồng chí vừa nói nơi nào đảng viên giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý DNTN thì việc thành lập và hoạt động của các tổ chức chính trị sẽ thuận lợi, vậy tại sao chúng ta không kết nạp chủ DNTN vào Đảng?
Vấn đề này cần nghiên cứu kỹ hơn và phải được sự cho phép của Trung ương. Theo tôi, cần phải có cơ sở lý luận khoa học về vấn đề này, đồng thời phải căn cứ từng trường hợp cụ thể để xem xét. Về bản chất, kinh tế tư nhân ở nước ta hoàn toàn khác với kinh tế tư nhân ở các nước tư bản. Kinh tế tư nhân ở nước ta chịu sự điều tiết, chi phối của Nhà nước XHCN nhằm phát triển lực lượng sản xuất, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Mặt khác, thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng cho thấy có nhiều chủ DNTN ở nước ta mang trong mình truyền thống tốt đẹp của dân tộc, yêu nước, thương dân, sẵn sàng hy sinh tài sản của mình cho đất nước. Ngày này, có nhiều chủ DN làm ăn chân chính, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước, đóng đủ bảo hiểm cho công nhân, tham gia tích cực công tác xã hội ở địa phương và đáp ứng các tiêu chuẩn đảng viên theo Điều lệ Đảng thì có thể xem xét kết nạp họ vào Đảng được.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Tuấn Sơn