Theo chân những người khẩn hoang lập nghiệp, khai phá vùng đất mới phương Nam, nhã nhạc cung đình Huế mà họ mang theo giao thoa với nền văn hóa bản địa và hình thành nhạc lễ Nam bộ - một thể loại âm nhạc đặc trưng của đất và người nơi đây. Nhạc lễ giữ vai trò chủ đạo, thịnh hành trong hầu hết các sinh hoạt đời sống của người dân Nam bộ có đến hàng trăm năm. Thế nhưng, dòng nhạc dân gian đặc sắc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, trong tín ngưỡng của người Nam bộ nay đang dần xa lạ và đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
Người hậu duệ thế hệ thứ 4
“Từ thuở nhỏ, cha đã dạy tôi cách chơi các nhạc cụ rồi đến các bài bản nhạc lễ. Năm tôi 6 tuổi, thầy Trần Văn Khê đến nhà đàm đạo với cha tôi, thầy chơi đờn kìm, cha tôi chơi đờn tranh còn tôi thì vỗ trống cơm cùng hòa tấu. Thú thật, một phần nhờ thầy Trần Văn Khê thường xuyên đến nhà chơi, nói chuyện với cha mà tôi có được niềm say mê nhạc dân tộc. Đó là nền tảng giúp tôi theo đuổi nghiệp nhạc lễ và gắn bó với trống bồng đến nay” - nghệ sĩ Nhứt Dũng mở đầu câu chuyện. Cha anh là nghệ nhân dân gian nhạc lễ Phan Văn Nhứt (còn gọi là Tám Nhứt), sinh năm 1924 tại Cần Đước, Long An. Ông theo học nhạc lễ từ năm 14 tuổi với nghệ nhân Chín Láo, nổi tiếng khắp vùng Long An. Lúc đầu chỉ tập đánh mõ rồi dần học đến các nhạc cụ: trống lễ, trống bồng, trống cơm, kèn trung, kèn tiểu… Những âm thanh độc đáo cho các buổi tế lễ linh thiêng huyền diệu qua bàn tay tài hoa của ông Tám Nhứt đã đi khắp Nam kỳ lục tỉnh. 90 tuổi đời với 76 năm gắn bó cùng nhạc lễ Nam bộ, một đời đam mê nhạc lễ của ông Tám Nhứt xem như đã mãn nguyện. Bởi Nhứt Dũng - con trai ông, người hậu duệ thứ 4 của gia tộc - đã tiếp nối tinh hoa nhạc lễ và truyền thống gia đình.
Ngày trước, người Nam bộ sử dụng nhạc lễ trong hầu hết các sinh hoạt văn hóa. Trong các lễ hôn - quan - tang - tế, đó là các dịp cưới hỏi, thăng quan tiến chức, tang ma và cúng tế đình chùa, người dân Nam bộ đều sử dụng nhạc lễ để bày tỏ lòng thành kính của mình với trời đất, thánh thần; lòng biết ơn với tổ tiên, những bậc tiền bối. Bất cứ lễ nghi nào cũng cần phải có nhạc, không có nhạc sẽ không thành lễ. Nền âm nhạc dân gian của Nam bộ là nhạc ngũ âm hò - xự - xang - xê - cống tương ứng với ngũ hành mang triết lý phương Đông sâu sắc. Dàn nhạc lễ cũng vậy, gồm: kim (bạt, đẩu, tum), mộc (cặp trống âm dương, trống cơm), thủy (3 loại kèn: kèn trung, kèn tiểu, kèn thau), hỏa (4 nhạc cụ kéo: cò dương, cò lòn, đàn gáo, đàn líu), thổ (trống bồng). Khi hòa điệu cùng nhau trong nghi thức, nhạc lễ thể hiện vai trò hòa trời - hòa đất - hòa con người. Nhạc lễ thuộc về tín ngưỡng, về “phần hồn” nên thiêng liêng là vậy. Ngày nay, nhạc lễ trong các tục hôn - quan đã không còn, chỉ xuất hiện trong dịp cúng bái tế lễ ở đình chùa và đám tang. Cho nên người dân ngày càng xa lạ với nhạc lễ Nam bộ, có người nghĩ đơn thuần nhạc lễ là nhạc… đám ma mà không biết đến nét đặc sắc của dòng nhạc dân gian này.
Nhạc lễ ra thế giới
Năm 2007, cùng với ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc cung đình Huế, nhạc lễ đã được đưa sang TP Turin (Italia) dự Festival Torino Settembre Musica. Chương trình do nghệ sĩ Nhứt Dũng phụ trách ý tưởng với sự giới thiệu của GS-TS Trần Văn Khê. Phần trình diễn của dàn nhạc lễ Nam bộ và tiết mục trống bồng của nghệ sĩ Nhứt Dũng khiến cả khán phòng im lặng như tờ và những tràng vỗ tay không dứt. Lần đó, đoàn Việt Nam tặng lại liên hoan toàn bộ nhạc cụ nhạc lễ làm hiện vật trưng bày theo thiện ý của nước bạn. Lần khác, ở hội trường UNESCO (Pháp), dàn nhạc dân tộc Việt Nam biểu diễn theo lời mời của Hội người Việt Nam tại Pháp. Tiết mục cách tân phần trống (bộ gõ) do nghệ sĩ Nhứt Dũng biến tấu theo điệu Lý ngựa ô (là tiết mục góp vui trong khi chờ đợi nghệ sĩ chuẩn bị phần diễn kế tiếp) đã có kết cục không ngờ: hơn 2.000 khán giả trong khán phòng đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt và họ đinh ninh rằng đó chính là tiết mục đinh của chương trình.
Nhắc lại chuyện cũ, nhưng nghệ sĩ Nhứt Dũng vẫn không giấu được niềm vui: “Đưa nhạc lễ lên sân khấu quốc tế có công rất lớn của GS-TS Trần Văn Khê. GS-TS Trần Văn Khê đã dùng uy tín của mình để mang nhạc lễ xuất ngoại, bởi ban đầu, Việt Nam chỉ định giới thiệu đến khán giả TP Turin về ca trù và hai loại hình đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới là cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc cung đình Huế. Với lại, nhạc lễ thường dùng trong đám tang, cúng đình chùa, chứ đâu ai nghĩ nhạc lễ được đưa lên cả sân khấu quốc tế hoành tráng cho người nước ngoài xem”. Trân trọng tấm lòng của người thầy, buổi giới thiệu nghệ thuật trống truyền thống và nhạc lễ Nam bộ với hàng trăm khán giả trẻ tại nhà riêng, nghệ sĩ Nhứt Dũng đã ôm chầm lấy GS-TS Trần Văn Khê, mắt rưng rưng. “Tùng, trắc, tang, sam, rục, rù rù, rục tùng trắc…”, GS-TS Trần Văn Khê vừa giảng vừa minh họa tiếng trống nói lên tâm tưởng của người Việt. Nhịp trống khi khoan thai, lúc ầm ào, khi lại rộn rã, bi tráng.
Không chỉ rành rẽ các bài bản, thuần thục sử dụng nhiều nhạc cụ, nghệ sĩ Nhứt Dũng cũng là người “bơi” bồng thuần thục nhất hiện nay và nặng lòng với loại nhạc cụ dân tộc đang dần dà bị mai một này. Trong bối cảnh không gian âm nhạc truyền thống đang bị thu hẹp, anh vẫn miệt mài phát triển, cách tân những tiết mục độc tấu trống bồng để tiếng bồng gần gũi hơn với hơi thở cuộc sống. Đến nay, nghệ sĩ Nhứt Dũng đã thành lập 7 ban nhạc lễ với trên 35 thành viên trong gia đình, phục vụ tại TPHCM và các tỉnh. Đây là ban nhạc lễ duy nhất của TPHCM giữ đúng gốc truyền thống. Cùng với người bạn đời của mình, cũng là người nặng nợ với nhạc truyền thống, nghệ sĩ Nhứt Dũng đã có gần 30 năm giảng dạy nhạc truyền thống, đào tạo hàng trăm bạn trẻ tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM).
Nỗi niềm nhạc lễ
Hiện nay, một số địa phương còn giữ được gốc nhạc lễ Nam bộ như Gò Vấp, quận 4, quận 8, huyện Hóc Môn, Nhà Bè (TPHCM), các tỉnh thì có Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Còn lại nhiều nơi, nhạc lễ đang bị mai một dần. Nhạc lễ phải bao gồm cả nhạc và lễ. Nhạc để hòa, lễ để vận hành. Nhạc hòa giữa âm và dương, giữa người sống và người khuất, giữa con người và con người. Lễ gồm nghi thức dâng rượu, dâng trà, dâng hương… diễn ra trong tiếng nhạc làm nền. “Mà chỉ có những đình, chùa mới giữ đúng bài bản, chứ đám ma bây giờ không còn giữ đúng gốc nhạc lễ cổ truyền nữa rồi. Nhạc lễ đám ma phải đúng bài bản, nỉ non réo rắt, nghi lễ vận hành theo nền nhạc, nhưng giờ chỉ thấy nhạc sống ầm ĩ như hội chợ. Nhạc cụ thì lai căng, bỏ đi mất bộ kéo và thay bằng bộ khảy, thậm chí dàn nhạc lễ đám tang còn có cả… đàn organ”, nghệ sĩ Nhứt Dũng cho biết.
Chuông ta mang đánh ở xứ người tiếng vang rất lớn nhưng ở trong nước, thân phận của âm nhạc dân tộc, trong đó có nhạc lễ, lại rất hẩm hiu. Những ai nặng lòng với âm nhạc truyền thống đều nhận thấy điều này. Hiện nay không còn trường lớp đào tạo bài bản nhạc lễ. Nghệ sĩ tiền bối ngày một lớn tuổi, “rơi rụng” dần nhưng chưa có lớp trẻ kế cận. “Tôi nghĩ âm nhạc cổ truyền sẽ không mất, vì đó là ngôn ngữ, là tiếng nói của dân tộc. Chí ít nhạc lễ vẫn sẽ còn tồn tại trong những sinh hoạt tâm linh của người Việt. Nhưng đúng là không gian sống của nhạc lễ nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung đang bị thu hẹp dần. Khi những bậc trưởng bối qua đời, ai đủ tâm huyết, năng lực để giới thiệu cái hay, cái đẹp của âm nhạc cổ truyền cho những thế hệ đi sau?”, nghệ sĩ Nhứt Dũng tâm tư.
MINH AN