Cùng với việc đưa hàng cấm từ biên giới vào nội địa Việt Nam tiêu thụ như Báo SGGP ngày 22-1-2014 đã phản ánh qua bài viết: “Hàng cấm, hàng lậu - Trăm cách qua mặt hải quan”, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp tại Quảng Trị còn lợi dụng thủ tục hải quan điện tử, kinh doanh tạm nhập - tái xuất và chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để “buôn lậu” hàng Việt ngay tại Khu kinh tế (KKT) Thương mại Lao Bảo (TMLB).
Ăn đường thay cơm
Tại cửa kiểm soát hải quan KKT TMLB, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, hàng trăm ô tô chở hàng hóa nội địa với giá trị hàng chục tỷ đồng xuất khẩu tại đây mỗi ngày, chủ yếu là sữa, bánh kẹo, dầu ăn… Lợi dụng Chính phủ cho phép thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế đối với hàng hóa, dịch vụ để khuyến khích hoạt động buôn bán, đầu tư vào KKT TMLB như: hàng hóa (từ nội địa Việt Nam hoặc nhập khẩu từ nước ngoài) được miễn thuế xuất hoặc nhập; hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong KKT TMLB không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và được hoàn thuế.
Sau vài giờ mở tờ khai xuất các mặt hàng trên ra khỏi khu vực này bằng con đường từ Lao Bảo qua cửa khẩu cầu treo Hà Tĩnh rồi qua Lào, Thái Lan thì tìm đường tuồn ngược hàng lại vào thị trường Việt Nam. Thủ đoạn “ve sầu thoát xác” này không chỉ “móc túi” ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà còn gây hậu quả khôn lường đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Để đưa hàng đã hoàn thuế GTGT từ KKT TMLB quay lại thị trường nội địa, các doanh nghiệp làm ăn bất chính xé nhỏ hàng hóa và sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Quy mô nhỏ thì vài bao, vài thùng được nhồi nhét trong các gầm xe khách 12 chỗ ngồi. Quy mô lớn là cả gầm xe khách 50 chỗ ngồi được chế thành những hộc chứa đựng hàng ngàn đơn vị sản phẩm. Các mặt hàng này về đến TP Đông Hà bày bán tràn lan, giá rẻ hơn so với giá gốc của nhà sản xuất. Một thùng sữa tươi tiệt trùng có đường Vinamik xuất giá gốc 315.200 đồng nhưng tiểu thương ở Đông Hà chỉ bán giá 300.000 đồng.
Cùng với hàng nội địa, mỗi ngày KKT TMLB còn tiếp nhận hàng nhập khẩu. Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 6, đại biểu Hoàng Đức Cường đưa ra dẫn chứng: “Trị giá số hàng ngoại nhập vào Lao Bảo khoảng 1.500 tỷ đồng trong 10 tháng của năm 2012, trong đó một số hàng trị giá 376 tỷ đồng đã tái xuất, còn lại số hàng trị giá 1.124 tỷ đồng (bia, rượu, sữa, bột ngọt…) dân Lao Bảo phải “tiêu thụ”, mỗi người “chi” khoảng 25 triệu đồng/năm. Tréo ngoe nhất là số 33.000 tấn đường do Thái Lan sản xuất được nhập nhưng chỉ tái xuất 12.000 tấn, 21.000 tấn còn lại với trị giá 258 tỷ đồng được tiêu thụ tại KKT TMLB. Vậy mỗi người dân Lao Bảo sẽ ăn đường kính Thái Lan thay cơm (1,3kg đường/ngày)… Đề nghị các ban ngành phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm để chấn chỉnh ngay” - Ông Cường mong đợi.
Trăm cách qua mặt
Hiện có khoảng 256 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu vào KKT TMLB liên quan đến hoàn thuế GTGT. Bình quân mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu thông qua đây hơn 3.100 tỷ đồng, mỗi ngày số tiền hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào KKT TMLB hơn một tỷ đồng. Một cán bộ hải quan nhận định, thủ đoạn trục lợi tiền hoàn thuế GTGT gần đây diễn ra táo tợn đến nỗi có vụ, số tiền hoàn thuế doanh nghiệp nhận được còn cao hơn cả giá trị thực mặt hàng mà họ sản xuất và xuất khẩu vào khu này.
Điển hình như Công ty TNHH MTV TM-DV mỹ phẩm Ánh Lệ khai khống hàng hóa với trị giá 346.682.000
đồng; Công ty TNHH thời trang Nhật Minh Anh, khai khống hàng giá 303.290.000 đồng... đã bị cơ quan chức năng phát hiện.
Doanh nghiệp đã lợi dụng quy trình quản lý rủi ro ngành hải quan, được phân luồng xanh để khai khống về số lượng; khai khống về giá bán hàng hóa qua thủ đoạn: Mua bán hóa đơn hợp thức hóa hàng hóa xuất khẩu; lợi dụng việc tự in ấn, phát hành hóa đơn GTGT để hợp thức hóa nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu; các quy định doanh nghiệp tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về khai báo tại tờ khai hải quan. Đồng thời, lợi dụng việc thành lập, giải thể doanh nghiệp khá đơn giản để thành lập nhiều doanh nghiệp nhằm mua hóa đơn đầu vào để hợp lý hóa số hàng sẽ xuất khẩu...
Mới đây, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phát hiện 2 doanh nghiệp khai đội giá thành sản phẩm tăng từ 3 đến 6 lần để hưởng chênh lệch thuế GTGT như: Mặt hàng ốc vít giá ngoài thị trường 5.000 đồng/cái được khai lên 15.000 đồng/cái; giấy lau 500 đồng/cái, khai lên 3.000 đồng/cái...
| |
VĂN THẮNG