Vệ sinh an toàn thực phẩm: Quá nhiều nguy cơ

Bao giờ người dân được ăn thực phẩm sạch?
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Quá nhiều nguy cơ

“Hiện nay Chính phủ đang tập trung mọi biện pháp để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thức vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay là rất quan trọng nên quyết định triệu tập các đồng chí. Nếu chúng ta làm không tốt, vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu như vậy khi khai mạc hội nghị toàn quốc về VSATTP diễn ra hôm qua 9-4, tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra giữa lúc dịch tiêu chảy cấp trên người, dịch tai xanh trên heo đang diễn biến phức tạp...

Bao giờ người dân được ăn thực phẩm sạch?

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Quá nhiều nguy cơ ảnh 1

Thực phẩm bày bán trên đường tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, không an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: Thành Tâm

Hầu hết các ý kiến đăng đàn đều khẳng định: VSATTP ở nước ta hiện là vấn đề hết sức nghiêm trọng trên nhiều phương diện: sản xuất rau quả, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến thực phẩm; bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn đường phố; kiểm soát thực phẩm qua biên giới và trên thị trường...

Đặc biệt, thực phẩm sạch được coi là cái gốc của vấn đề, nhưng ở Việt Nam, hiện nay khái niệm thực phẩm sạch vẫn khá xa xỉ đối với người dân, nhất là người dân nghèo. Các kết quả kiểm tra trong năm 2007 tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bình Dương, Cà Mau, Tiền Giang... cho thấy nhiều địa phương sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng bừa bãi, không rõ nguồn gốc, thuốc bảo vệ cấm sử dụng, tồn dư hóa chất trong nông sản thực phẩm còn cao.

Vệ sinh trong giết mổ gia súc, gia cầm nhiều nơi mất vệ sinh nghiêm trọng, chỗ ở của công nhân chung với cơ sở giết mổ. Hơn nữa, việc vận chuyển, bảo quản thực phẩm sau giết mổ cũng rất thủ công, mất vệ sinh. Điển hình, tại cơ sở giết mổ lớn nhất Hà Nội là Thịnh Liệt (Q.Hoàng Mai), có tới 75% số heo được đưa vào giết mổ chưa qua kiểm dịch. Hà Nội mỗi ngày cần tiêu thụ trên 1.200 tấn rau, nhưng 60% là rau nhập từ các tỉnh.

Tỷ lệ rau an toàn được trồng ở Hà Nội cũng chỉ chiếm 24,2% diện tích trồng rau của Hà Nội, nhưng theo ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngay cả khi người dân trồng rau sạch thì họ vẫn cứ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Bởi vậy nên người dân luôn có thái độ nghi ngờ giữa việc dùng rau an toàn và không an toàn. “Chả ai dùng nước bẩn để uống. Nhưng họ dùng nước bẩn để tưới rau, vậy thì cũng không khác gì mấy”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ sự lo lắng đối với chất lượng bếp ăn tập thể. Đồng Nai có trên 320.000 lao động làm việc trong 25 khu công nghiệp. Bởi vậy, Đồng Nai cũng như TPHCM lúc nào cũng nơm nớp lo sẽ xảy ra ngộ độc thực phẩm, vì có tới 60% các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các bếp ăn tập thể, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.

Hiện nay việc vận chuyển lậu thực phẩm kém chất lượng qua đường biên giới đang là vấn đề đau đầu của cơ quan chức năng. Nhiều người dân Việt Nam đang phải ăn lại thứ mà người ta đã thải ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ở gần biên giới Trung Quốc nhiều loại thực phẩm kém chất lượng, nhất là gia cầm, chờ cơ hội thuận tiện là đẩy sang Việt Nam. Một kg gà ở đường biên được mua 8.000 đồng, đến Lạng Sơn được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng và về tới Hà Nội lại đắt hơn lên.

Cần từ bỏ thói quen mất vệ sinh

Dành trọn một ngày để nghe các bộ ngành và địa phương phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu kết luận: vi phạm trong vấn đề VSATTP hiện nay ở nước ta vẫn rất nghiêm trọng, chúng ta chưa thực sự quyết tâm thực hiện tốt công tác này, vì vậy tồn tại nhiều bất cập. Theo Phó Thủ tướng, tình hình VSATTP ảnh hưởng đến sức khỏe con người hiện nay là khá nghiêm trọng, số vụ ngộ độc thực phẩm vẫn lớn. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với chăm sóc sức khỏe nhân dân vì vậy còn nặng nề.

Thói quen xấu về mất vệ sinh vẫn là thói quen cố hữu của nhiều người. Ngoài ra, vẫn còn yếu kém ở khâu quản lý nhà nước về vấn đề này khi thiếu sự quyết tâm, đồng bộ cũng như sự đứng ngoài cuộc của nhiều bộ phận; khâu tổ chức lại sản xuất để có thực phẩm an toàn cũng chưa ổn mà ngược lại, sản xuất chứa đựng rất nhiều nguy cơ vì manh mún; chất lượng hàng hóa một đằng công bố một nẻo.

Đặc biệt, các chế tài xử lý hiện nay chưa đủ mạnh vì vậy hiệu quả ngăn chặn còn thấp. Bởi vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt hơn, làm sao để năm 2008 này, Việt Nam đạt được sự chuyển biến rõ về vấn đề VSATTP. Một số công việc cụ thể được Phó Thủ tướng chỉ ra như: Bộ Nội vụ hoàn thiện sớm đề án về kiện toàn lực lượng làm công tác VSATTP (theo kế hoạch sẽ tăng lên tới 8.500 biên chế); Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 45 về tăng mức xử phạt hành chính để đủ sức răn đe; phối hợp với Bộ NN-PTNT ban hành cụ thể về mức tồn dư hóa chất cho phép trong thực phẩm; rà soát lại việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm theo hướng chưa có thì cấp bổ sung, cấp rồi mà vi phạm thì rút giấy phép (hiện nay 95% cơ sở này chưa có giấy phép).

Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ tổ chức lại khâu sản xuất bảo đảm an toàn, từ trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt chú trọng các hộ sản xuất nhỏ. Bộ Công thương được giao nhiệm vụ hoàn thiện đề án ngăn chặn nhập lậu thực phẩm qua biên giới. “Lực lượng nào, địa phương nào để xảy ra vi phạm về VSATTP nghiêm trọng, lực lượng đó, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Phải tăng cường xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kể cả xử lý hình sự”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục