Về tên gọi các tháng âm lịch trên lịch

Hiện nay, trên nhiều ấn phẩm và một số loại lịch blốc 2010 có in cả những cách gọi âm lịch theo dân gian và cách gọi theo văn bản. Phòng nghiên cứu lịch (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, tên gọi các tháng 11, 12 là Một, Chạp có nguồn gốc từ tiếng Việt cổ.

Theo cố GS Hoàng Xuân Hãn, gọi tháng 11 là Một xuất phát từ phiên âm (Một, Mmột, Mười một) hay tháng 12 là Chạp có từ (Trap, Tlap, Lap)… Hiện nay các từ Một hay Mười Một, Chạp hoặc Mười Hai đều được sử dụng song song. Nhiều người chỉ dùng Một, Chạp cho các tháng âm lịch và hiện chưa có văn bản nào quy định việc thống nhất một tên gọi.

GS Trần Quốc Vượng viết: Tôi chưa thấy ai là người Việt cổ truyền lại gọi sau tháng mười là tháng mười một - mà phải gọi là tháng Một. Còn Tháng Chạp tức tháng 12 là tháng đi chạp mả, thăm sửa mộ phần, làm cỗ cúng tập thể tổ tiên (giỗ cho từng cụ, chạp cho mọi thế thứ tổ tiên). Cũng theo cách gọi của âm lịch, ngày một và ngày 15 hàng tháng gọi là ngày mồng một và ngày rằm.

Từ thực tế vừa nêu, thiết nghĩ từ nay khi in lịch, hoặc khi nói và viết, khi đối chiếu ngày, tháng, năm dương lịch với âm lịch, mọi người đều có thể gọi tháng sau tháng Mười là tháng Một, rồi đến tháng 12 là tháng Chạp, tháng một là tháng Giêng, tháng hai… theo cách gọi truyền thống của người Việt. Hẳn là làm được như vậy chúng ta đã thiết thực giữ một nét riêng độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Nét mới của lịch năm nay là ở phần thông tin về ngày tháng âm lịch in bên trái một số loại blốc trung 4 màu, trung pơ-luya 1 màu, đại 4 màu… có dùng cách tính tháng theo thứ tự tháng Mười âm lịch rồi đến tháng Chạp, tháng Giêng… là cách gọi đúng ngày tháng âm lịch theo truyền thống của người Việt Nam... Còn cách gọi tháng 11, tháng 12, tháng 1 (nhưng phải thêm chữ âm lịch) cũng là cách gọi bình thường, nên cả hai cách đều có thể được sử dụng miễn sao phù hợp với tập quán dân gian và chủng loại ấn phẩm sử dụng

PHÚC KHANG

Tin cùng chuyên mục