Vẹn cả đôi đường: Bức tranh đẹp về tình yêu người lính

Quyển hồi ký của chị Hồ Thị Xuân Mùi mang tựa đề “Vẹn cả đôi đường” (NXB QĐND - 2009) cho ta một sự lý giải thú vị về vấn đề chọn bạn đời và nghị lực của một phụ nữ nông dân phấn đấu vươn lên trong quá trình xây dựng tổ ấm gia đình.

Mùa thu năm 1949, anh Trần Công Mân, cán bộ quân đội, có được 30 ngày phép thì đường về đã hết 5 ngày, nghe mẹ và dì giới thiệu về một cô Mùi nào đó, dù chưa một lần gặp mặt, anh đã bỏ ra 2 ngày để tiếp cận đối phương và ngay lần gặp đầu tiên đã hạ quyết tâm cưới làm vợ. Gặp chị Hồ Thị Xuân Mùi, một cán bộ phụ nữ huyện, tuy chưa muốn lấy chồng, nhưng đã bị chàng cán bộ tiểu đoàn có dáng thư sinh khuất phục. 10 ngày sau lễ cưới được tiến hành.

Cuộc hôn nhân này thật nhanh và gọn!

Điều quan trọng là 50 năm sau đó, dù là chiến tranh hay hòa bình, dù là xa cách vời vợi hay chung một mái nhà, trong lúc khó khăn thiếu thốn trăm bề cũng như khi đầy đủ tiện nghi, tình yêu của họ vẫn sắt son và gia đình luôn hạnh phúc.

Sau ngày cưới, đôi vợ chồng có 15 ngày tuần trăng mật. Sau đó anh Mân về đơn vị, chị ở nhà tiếp tục hoạt động đoàn thể và lo phận sự của con dâu. Bà mẹ già không chỉ đồng tình mà còn khuyến khích chị tham gia các hoạt động xã hội, luôn luôn bận rộn và phải xa nhà. Tháng 7 năm 1954, chị Mùi xin mẹ vượt núi rừng, từ Hà Tĩnh lên Tuyên Quang với chồng. Họ có được 2 năm gần gũi, tiếp đó lại là xa cách kéo dài.

Mãi đến năm 1964, anh Trần Công Mân về làm Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, gia đình mới được sum họp. 8 năm xa cách trong hòa bình, tuy không đến nỗi biền biệt như hồi chiến tranh nhưng sự căng thẳng vất vả ngày càng nhiều vì con cái, vì cuộc sống và vì chuyển nhà liên tục. Hơn nữa kể từ ngày chọn con đường y học, chị không thể dừng lại ở trình độ của một hộ sinh nông thôn mà phải học để đáp ứng yêu cầu công tác ngày một cao. Một cô gái văn hóa bình dân học vụ mà theo ngành y quả thật vất vả, huống hồ lại vừa công tác vừa học tập và trên vai còn cả một gánh nặng gia đình trong thời bao cấp.

Anh Trần Công Mân có một hoàn cảnh đặc biệt - đó là gánh nặng đầu tiên thử thách cô dâu trẻ Hồ Thị Xuân Mùi. Anh là người con duy nhất của cụ Tiu, chưa chào đời đã phải mang phận mồ côi, rời nhà trường là tham gia hoạt động cách mạng rồi nhập ngũ, xa nhà biền biệt.

Thử thách thứ hai là làm vợ của một cán bộ quân đội trong thời chiến. Câu thơ trong “Chinh phụ ngâm” rất đúng với hoàn cảnh chị Mùi: “Nay một thân nuôi già dạy trẻ”. Người vợ có chồng ra trận có hoàn cảnh riêng, mang tâm sự nỗi niềm riêng; mà sự cô đơn, trống vắng, một tâm trạng bồn chồn lo sợ là điều thường trực.

Một thử thách lớn nữa không kém phần phức tạp là lúc anh Trần Công Mân về làm chỉ huy tờ báo Quân đội nhân dân. Trụ sở báo ở số 7 Phan Đình Phùng Hà Nội, gia đình ở số 6 Lý Nam Đế, nghĩa là chị ở nhà nhìn thấy cửa sổ phòng anh làm việc. Ấy thế mà suốt 19 năm trời, ít khi anh về nhà trước 0 giờ! Hơn nữa anh nằm cạnh vợ nhưng đầu óc vẫn để vào công việc. Nhiều đêm 1 giờ anh mới đi nằm, 3 giờ đã dậy bật đèn viết hay đọc. Có tài và tâm huyết với nghề báo, tướng Trần Công Mân được dư luận đánh giá là một trong số tổng biên tập giỏi nhất đương thời. Trong hồi ký của chị, những dòng hay nhất, lay động nhất là đoạn anh chị mới gặp nhau lần đầu, những trang viết khi anh về nhận nhiệm vụ chỉ huy báo Quân đội nhân dân và phần anh gặp chứng bệnh nan y.

Cuốn hồi ký “Vẹn cả đôi đường”, theo tôi, đặc biệt có giá trị ở sự miêu tả thành công mối quan hệ nhân quả sau đây:

Người chồng thỏa mãn được chí trai là do có người vợ làm chỗ dựa vững chắc.

Người vợ đạt được tiêu chí “Vẹn cả đôi đường” là do người chồng có tầm, có chí lại có tình và đặc biệt có một người mẹ tuyệt vời. Đó là bức tranh đẹp về tình yêu người lính

KHÁNH TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục