Những chiếc xe tải chở mía tung lên những đám bụi mù khi chúng đi qua một cánh đồng khô nước ở Thái Lan. Những cây mía màu nâu trên những chiếc xe tải này là những cây mía cuối cùng được thu hoạch ngoài Khon Kaen, thành phố lớn nhất vùng Đông Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay của quốc gia xuất khẩu mía đường lớn nhất châu Á để lại một vị đắng đối với người nông dân trồng mía, do hạn hán đã khiến mùa màng bị thiệt hại nặng.
Trang mạng tờ Nikkei Asian Review ngày 8-5 cho biết, 27/77 tỉnh, trong đó bao gồm cả khu vực hành chính Bangkok chính thức bị liệt kê vào danh sách vùng chịu thảm họa hạn hán. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm 0,85% do hạn hán. Tại Campuchia, hạn hán đã khiến cho tốc độ tăng trưởng nông nghiệp quốc gia này giảm mạnh, từ 5% xuống chỉ còn 1% trong giai đoạn 2004 - 2012. Tốc độ tăng trưởng năm 2016 dự kiến còn thấp hơn do hạn hán ngày một nghiêm trọng. Nhiều ngôi làng ở Thái Lan đã đào giếng với sự hỗ trợ từ ngân sách chính phủ. Những người may mắn đào được giếng xuống đến tầng ngậm nước 40m. Tuy nhiên, giáo sư xã hội học của trường Đại học Khon Kaen Buapun Promphakping cho biết, những nguồn cung cấp này cũng sẽ sớm cạn kiệt do mực nước ngầm cũng đã được tận dụng cho nông nghiệp trong đợt hạn hán từ năm ngoái và không phải nơi nào cũng có nước sạch vì ở nhiều nơi nước có nồng độ muối cao.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp và nhanh chóng như hiện nay, các nhà môi trường cho rằng, cần tìm ra các biện pháp mới để quản lý nguồn nước tại châu Á. Hiện nay, các chính sách vẫn ít chú trọng đến đối phó với hạn hán vì đặc tính không liên tục của nó. Các nhà khoa học vẫn chưa thể dự báo chính xác thời điểm xuất hiện, mức độ hoặc thời gian kéo dài của các đợt hạn hán. Không như các thảm họa do con người gây ra và các thảm họa tự nhiên khác, từ động đất đến bão, lũ lụt và các tai nạn công nghiệp, hạn hán là tai ương đến một cách yên lặng và từ từ. Nếu không dự trữ nước, nỗ lực trồng rừng và phát triển bền vững, hạn hán ở châu Á sẽ đến thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. Một thực tế ít người biết là chính châu Á, chứ không phải châu Phi, mới là lục địa đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng nhất, với lượng nước tính theo đầu người ở mức chưa tới 1.700m³/người/năm. Châu Á vốn đã trong tình trạng thiếu nước sạch hơn bất cứ lục địa nào và có những nơi đã bị gọi là có nguồn nước ô nhiễm nhất thế giới.
Các nhà khoa học còn cảnh báo, trong vài năm tới nước sẽ trở thành tài nguyên bị tranh chấp nhiều nhất tại châu Á. Điều này bắt nguồn từ tình trạng khan hiếm nước và bản đồ tài nguyên nước đặc biệt của lục địa này. Các con sông quan trọng nhất của châu Á đi qua biên giới của nhiều quốc gia và vì thế, các tranh chấp về nguồn nước xuyên quốc gia đã trở nên thường xuyên. Châu Á còn là lục địa có nhiều đập nước nhất thế giới, chỉ riêng Trung Quốc đã có 27.000/50.000 đập nước lớn của thế giới. Thế nhưng, thực tế là số lượng đập nước khổng lồ của Trung Quốc đang làm gián đoạn các dòng chảy tự nhiên và làm khô kiệt sông, khiến cho các vùng ven sông ở hạ nguồn bị cạn kiệt nước.
VIỆT ANH