Cụ thể, trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TPHCM – Long Thành – Dầu Giây vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng người dân cắt phá hàng rào, hộ lan tôn sóng, lập lán trại, làm đường đi, chăn thả gia súc, mở hàng quán kinh doanh ngay sát hành lang an toàn đường bộ...
Các hàng quán được mở ra khiến phương tiện thường xuyên dừng đỗ trên đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, tình trạng xe máy, đi bộ vào đường cao tốc; ô tô dừng đỗ, đón, trả khách dọc đường cao tốc chưa thể khắc phục triệt để, do VEC và các đơn vị quản lý khai thác là doanh nghiệp, không có chức năng xử lý các vi phạm nên việc giải quyết các tồn tại này còn hạn chế.
Trước tình hình trên, VEC đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, cho phép bổ sung điều khoản cho phép chủ dự án/nhà đầu tư được phép từ chối phục vụ những phương tiện/chủ phương tiện cố tình vi phạm quy định khi lưu thông trên đường cao tốc (dừng đỗ, bắt khách, gian lận cước phí...) vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa đồng ý chấp thuận về nguyên tắc chủ trương và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc.
Tổng công ty VEC cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý đã phục vụ 12,7 triệu lượt phương tiện, tăng khoảng 8,5% về lượng và 10,4% về doanh thu so cùng kỳ năm ngoái.
Đơn vị quản lý đường cao tốc đã kiểm soát tải trọng 461.000 lượt phương tiện trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, qua đó phát hiện và từ chối phục vụ theo thẩm quyền 14.300 lượt phương tiện quá tải.
Trong quý I-2021, trên 4 tuyến cao tốc VEC quản lý đã xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông và 71 vụ va chạm, làm 3 người chết và 15 người bị thương. So với quý I năm 2020, số vụ tai nạn giảm 6%, số người chết tăng 1 người và số người bị thương không thay đổi.