Vì sao có nhiều cuộc đình công trái pháp luật?

Mấu chốt: Vai trò công đoàn cơ sở quá “lu mờ”
Vì sao có nhiều cuộc đình công trái pháp luật?

Đây là vấn đề quan tâm nhất của Đoàn khảo sát Ủy ban các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) Quốc hội trong chuyến làm việc với một số khu chế xuất-khu công nghiệp (KCX- KCN) trên địa bàn TPHCM mới đây.

Mấu chốt: Vai trò công đoàn cơ sở quá “lu mờ”

Vì sao có nhiều cuộc đình công trái pháp luật? ảnh 1

Lắng nghe ý kiến của người lao động và đàm phán thành công với chủ doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ công đoàn cơ sở.

Trước khi nghe báo cáo về tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị, Chủ nhiệm UBCVĐXH Trương Thị Mai khẳng định: “UBCVĐXH khảo sát tình hình đình công ở Đồng Nai, Bình Dương và từ lâu đã nắm được những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngừng việc tập thể. Các kiến nghị từ các đơn vị cả về những bất cập trong lương bổng lẫn các chính sách pháp luật cần sửa đổi, chúng tôi đều đã tiếp nhận và có thể xử lý được.

Vấn đề mấu chốt ở đây là khi các kiến nghị được đáp ứng, liệu có giải quyết được vấn đề đình công và tại sao các cuộc đình công đã xảy ra cho đến nay vẫn không theo trình tự của pháp luật? Mặt khác, chúng ta đã có quy định về Hội đồng hòa giải lao động, đã xây dựng cơ chế, trình tự cho một cuộc đình công đúng luật nhưng tại sao đến nay vẫn không làm được?”.

Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH Đặng Như Lợi đặt tiếp nghi vấn: Cách giải quyết các cuộc tranh chấp lao động tập thể lâu nay đã vận hành theo cơ chế thị trường chưa? Sự tồn tại cơ chế giải quyết đình công theo kiểu lập “Ban chỉ đạo” hay “Tổ công tác” có sự tham gia của các thành viên là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liệu có duy trì được lâu khi mà các cam kết với Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) phải được thực thi trong thời gian tới?

Với cách đặt vấn đề cụ thể, không tránh né, đại diện các bên liên quan đã cho ý kiến liên quan đến các câu hỏi được đặt ra và đều thừa nhận: đình công không đúng luật xảy ra do vai trò của công đoàn (CĐ) cơ sở tại các doanh nghiệp (DN) quá yếu kém.

Lãnh đạo Công ty Furukawa (KCX Tân Thuận quận 7 TPHCM) thừa nhận rằng trước những tác động của vật giá, đời sống khó khăn…, người lao động đòi hỏi thêm một số quyền lợi là chính đáng, nhưng vấn đề là những ý kiến nguyện vọng đó không được trình bày trước với lãnh đạo DN mà dùng phương thức ngừng việc tập thể để bày tỏ ý kiến. Đây là hiện tượng phổ biến và không đúng trình tự luật định.

Lãnh đạo nhiều công ty trong Hiệp hội DN Nhật Bản rất muốn biết ai là người có thể đại diện người lao động để có thể đàm phán, nhưng rất tiếc, không thể tìm ra được! Rõ ràng, tổ chức CĐ tại các DN nói trên đã không thu thập được ý kiến của công nhân và cũng không đủ năng lực để thương lượng với chủ DN.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cũng thừa nhận, hiện nay vai trò CĐ khá “lu mờ”, đa số tổ chức CĐ chưa thể hiện được vai trò đại diện, “thủ lĩnh” của người lao động để giải quyết những tranh chấp quyền lợi với chủ DN. Để chứng minh cho tình trạng vừa thiếu vừa yếu của tổ chức CĐ, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP Vũ Văn Hòa dẫn chứng, hiện có 946 DN hoạt động trong các KCX-KCN TP, nhưng chỉ có 490 DN có tổ chức CĐ cơ sở, trong đó chỉ khoảng 10%-20% CĐ hoạt động thực sự. Khi có các cuộc đình công xảy ra, đại diện CĐ nhiều đơn vị đã “bỏ trốn” khiến tình trạng đình công càng phức tạp và phần đông là đình công tự phát.

Bao giờ mới đúng luật?

Thống kê từ Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho thấy tình hình đình công đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2005 các KCX-KCN TP chỉ có 16 vụ đình công; năm 2006: 38 vụ; năm 2007: 62 vụ và chỉ mới 6 tháng đầu năm 2008: trên 60 vụ. Trên toàn TP, thống kê cũng cho biết 6 tháng đầu năm xảy ra khoảng 127 vụ đình công trong khi cả năm 2007 xảy ra khoảng 115 vụ.

Để có được điều đó, đồng nghĩa với việc tổ chức CĐ cơ sở phải là người đứng ra “lãnh đạo” các cuộc ngừng việc tập thể theo đúng trình tự quy định và có năng lực để thúc đẩy cơ chế đàm phán với chủ DN đi đến thành công.

Đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM thừa nhận, đây là điều không tưởng bởi hiện nay, cán bộ CĐ cơ sở hưởng lương từ chính DN nên không ai đủ can đảm đánh đổi “nồi cơm” của mình để bênh vực quyền lợi cho người khác.

Vấn đề không chỉ dừng ở đó. Ông Đặng Như Lợi dẫn chứng thêm: Ngay cả khi nhà nước trả lương cho cán bộ CĐ, đảm bảo cho họ mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động, họ cũng khó “đứng ra” với tư cách đại diện để “lãnh đạo” một cuộc đình công.

Lý do: một cuộc đình công xảy ra đúng luật hay không đúng luật chỉ có Tòa án mới có quyền phán quyết. Nếu cuộc đình công đó được phán quyết không đúng luật, người đại diện cho công nhân phải chịu hết trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường cho DN những thiệt hại trong quá trình đình công.

“Điều này đã giải thích lý do vì sao khi Ban quản lý KCX-KCN “xúi” một số cán bộ CĐ đứng ra tổ chức 1 cuộc đình công đúng luật nhưng không “anh” nào dám nhận”, ông Vũ Văn Hòa cho biết thêm.

Trong tình hình hiện nay, để có một cuộc đình công đúng luật không phải dễ, nhưng quan trọng nhất vẫn là không nên để các cuộc đình công diễn ra. Bởi, tất cả mọi bên liên quan đều bị tổn thất sau một vụ ngưng việc tập thể. Vì vậy, việc thúc đẩy hơn nữa cơ chế đối thoại, thương lượng giữa DN và người lao động sẽ giúp vừa đảm bảo được lợi ích các bên, vừa vận hành đúng luật pháp. Muốn vận hành, thúc đẩy cơ chế đối thoại hiệu quả, mấu chốt vẫn là vai trò đại diện của tổ chức CĐ cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, lãnh đạo TP đã có chiến lược cho việc nâng cao chất lượng cán bộ CĐ ở các đơn vị bằng việc tuyển chọn, bổ nhiệm thêm khoảng 40 cán bộ CĐ trong thời gian tới nhằm tăng cường sức mạnh cho tổ chức này.

Bà Trương Thị Mai khẳng định: Về lâu dài, Nhà nước sẽ không can thiệp vào đình công mà chính người lao động và chủ DN sẽ xác lập cơ chế vận hành mọi tranh chấp, thương lượng. Với tư cách là đại diện cho người lao động, nếu tổ chức CĐ không tự cải tổ, tự khẳng định vai trò, vị trí của mình thì sẽ khó đảm đương được nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ngọc Lữ

Tin cùng chuyên mục