Phố ăn nhậu trên vỉa hè
Chiều đến, tại các hàng quán chạy dọc hai bên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp), nhân viên bày biện bàn ghế, trưng ra các bảng hiệu trên vỉa hè. Các quán nối nhau san sát, tạo thành “phố ăn nhậu” rất nhộn nhịp hàng đêm.
Ban đầu, các bàn ghế nằm “khép nép” bên trong vạch giới hạn nhưng càng về tối, khi khách khứa đông lên, từng chiếc ghế, cái bàn được kê lấn dần, lấn dần và bao chiếm trọn vỉa hè.
Trong số này phải kể đến các quán Đặc sản Bình Định, Lửa BBQ, Linh ốc xào Nha Trang, quán 123-KU KU, 123-ZôVa, không những bày biện bàn ghế, dựng xe của khách nhậu bít vỉa hè, nhân viên của các quán này còn tràn xuống lòng đường, vẫy chặn người đi đường vào quán.
Quan sát tại quán Đặc sản Bình Định (dưới chân cầu vượt số 3), nhân viên quán kê bàn nhựa đến tận mép đường nói với khách: “Anh chị ngồi đâu cũng có chỗ hết”. Tại quán ZOO ZOO (18 đường Phạm Văn Đồng), trước mặt tiền bảo vệ sắp xe gắn máy, bên trong là dãy ô tô đậu chiếm hết vỉa hè và một phần lan can cầu Rạch Lăng.
Không kém cạnh, các quán nướng Bảo Lộc, Dì 7, Nghiêm Quán (phường 1 quận Gò Vấp) “bao chiếm” toàn bộ phần vỉa hè kéo dài hàng chục mét để bày biện bàn ghế, để giữ xe gắn máy, có quán còn “trưng dụng” cả lòng đường cho khách đậu ô tô.
Một khu vực “nổi tiếng” khác là 2 tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa nằm ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với các quán ăn, quán nhậu như là “cung đường ăn nhậu”. Từ vòng xoay Điện Biên Phủ rẽ vào đường Hoàng Sa (về hướng quận 3), người đi đường sẽ được “chào đón” bằng quán Vòng Xoay Quán (91B Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1) và quán Hùng 33 (101 Hoàng Sa, phường Đa Kao). Phần vỉa hè qua các quán này thường xuyên được dùng làm nơi đậu xe cho khách.
Bên kia bờ kênh, đường Trường Sa (thuộc phường 15 và phường 17 quận Bình Thạnh; phường 2 quận Phú Nhuận) cũng chung tình trạng. Nhiều quán không có đủ không gian, chủ quán còn trưng dụng cả lòng đường phía đối diện (khu vực giáp công viên ven kênh) để xe.
Ở đầu hẻm 352 Trường Sa, một quán nhậu bình dân còn tận dụng toàn bộ lối vào hẻm để đặt bàn ghế. Có mặt tại những tuyến đường này, chúng tôi liên tục bị nhân viên trong quán lao ra tận giữa đường để chèo kéo. Càng về khuya, các quán nhậu càng đông khách. Người dân cho biết, khách nhậu ở các quán còn thường xuyên ra công viên, thảm cỏ hoặc bờ kênh đi tiểu, rất phản cảm.
Tại quận Tân Bình có thể kể đến đường Đồng Đen (phường 11) với hàng loạt quán nhậu nằm ở hai bên. Nơi đây, bất kể vạch giới hạn được kẻ trên vỉa hè, các quán nhậu cứ vô tư lấn tràn ra toàn bộ lề đường. Cạnh đó, trên đường Bàu Cát 8 (đoạn gần với ngã ba Âu Cơ - Bàu Cát 8), một số quán ốc có mặt bằng hẹp ở vỉa hè nhỏ nên chiếm toàn bộ vỉa hè bày biện bày ghế; còn xe của khách thì xếp lớp dưới lòng đường.
Các đường Võ Văn Tần, Nguyễn Thượng Hiền, Cao Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5 quận 3) cũng bị lấn chiếm không thương tiếc. Từ một số cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê đến các chi nhánh ngân hàng đều “vô tư” bày, kê bảng hiệu, để xe cho khách đến giao dịch, mua bán… Trong cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông của quận 3, các đường nói trên đều là tuyến đường điểm cần “làm sạch”.
Song qua khảo sát của phóng viên, vỉa hè nơi đây vẫn thường bị người dân chiếm dụng. Đặc biệt là đường Nguyễn Thượng Hiền, hầu như lúc nào cũng la liệt bàn ghế, hàng ăn… trên vỉa hè và dưới lòng đường thì khách vô tư dừng đậu. Thậm chí có quán cơm đặt cả bếp nướng xuống đường, mặc cho khói phả vào mặt người đi đường.
“Thực sự khó, không phải tiêu cực”
Trước tình trạng lấn chiếm bát nháo ở nhiều tuyến đường trên địa bàn, ông Trần Khánh Linh, Chủ tịch UBND phường 5 quận 3, giãi bày: “Nhiều hộ dân buôn bán trên vỉa hè đường Nguyễn Thượng Hiền thuộc diện cận nghèo, diện tích nhà nhỏ, nên lấn chiếm vỉa hè để xe, đồ dùng gia đình. Phường đã nhiều lần vận động, nhắc nhở người dân không buôn bán và không để xe lấn chiếm lòng lề đường, nhưng thực sự rất khó”.
Trong khi đó, giải thích về việc vỉa hè, lòng đường nhiều nơi trên địa bàn bị tái lấn chiếm, ông Trần Nhựt Thái, Chủ tịch UBND phường 12 quận Tân Bình, phân trần rằng địa phương thường xuyên chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, tuy nhiên, do địa bàn phường rộng, mật độ dân cư đông, lực lượng mỏng… nên phường chỉ tập trung thực hiện được ở một số tuyến trọng điểm chứ không làm tràn lan được.
Tại quận Bình Tân, khu vực quanh Công ty Pouyuen (phường Tân Tạo), đường Bình Trị Đông (phường Bình Trị Đông A) và đường Lê Văn Quới (phường Bình Hưng Hòa A) là 3 điểm nóng lấn chiếm dai dẳng. Chính quyền và ngành chức năng sở tại cho biết đã triển khai rất nhiều giải pháp, từ xử lý vi phạm đến tuyên truyền vận động, song đến nay chưa thể giải quyết. Thậm chí, có thời điểm, vỉa hè, lòng đường của 2 tuyến đường Bình Trị Đông và Lê Văn Quới còn bị lấn chiếm phức tạp hơn xưa, kéo dài đến tận đêm khuya.
Ông Nguyễn Kiên Giang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân, cũng nêu nhiều khó khăn như địa bàn đông dân số, đa số là công nhân, lao động thu nhập ít ỏi, điều kiện sống thấp kéo theo thói quen ăn uống, mua sắm ở vỉa hè… Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự lòng lề đường lại mỏng. Đơn cử, tại khu vực quanh Công ty Pouyuen, vào giờ tan ca, các xe đẩy hàng rong bủa vây, lực lượng chức năng xử lý không xuể.
“Quận chú trọng đến việc lập lại trật tự đô thị, không có chuyện cán bộ buông lỏng quản lý, làm lơ hay có tiêu cực trong làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, với đặc điểm địa bàn còn nhiều bất cập, việc lập lại trật tự để đường thông hè thoáng không phải một sớm một chiều là làm được”, ông Nguyễn Kiên Giang phân trần.
Ông VŨ THANH LƯU, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM: Xử lý như “ném đá ao bèo” Thực tế lòng, lề đường ở TPHCM hiện nay còn nhiều bất ổn về an ninh trật tự, mỹ quan đô thị. Các quận huyện đã nỗ lực lập lại trật tự nhưng cũng chỉ như “ném đá ao bèo”. Khi nào có chiến dịch, các nơi ra quân thì tình trạng lấn chiếm tạm lắng, sau đó thì đâu lại vào đấy. Người kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường thì cố tình vi phạm, phản ứng dữ dội khi cơ quan chức năng xử lý. Vì vậy mà sau nhiều năm đẩy mạnh việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường ở TPHCM, sự chuyển biến vẫn chưa rõ rệt, có nơi tình trạng chiếm dụng còn phức tạp hơn. Ông NGUYỄN TRUNG SƠN, Chủ tịch UBND phường 4 quận Tân Bình: Chấn chỉnh được nhưng khó duy trì Trên địa bàn phường còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là đường Hoàng Văn Thụ. Vì vậy, trong năm 2018, phường 4 đã chuyển một cán bộ kinh tế qua bộ phận khác và cắt thi đua đối với 6 bảo vệ dân phố. Cùng đó, Công an phường cũng kiểm điểm 2 cảnh sát khu vực vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các hộ dân có nhà mặt tiền đều mở cửa kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh. Việc vận động, tuyên truyền về trật tự mỹ quan đô thị tới các hộ dân phải như “mưa dầm thấm đất”. Thưc tế, khi tuyên truyền, xử phạt nghiêm minh thì có sự chuyển biến rõ nét, nhưng sau đó phường không duy trì và việc tái lấn chiếm lại xảy ra. Một cái khó là với mức phụ cấp 3 triệu đồng/người/tháng, các phường rất khó và không tuyển được lực lượng chuyên trách, từ đó không có người “bám đường”, việc tái lấn chiếm sẽ diễn ra. Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp: Điều tra, xử lý hành vi bao che hoặc bảo kê UBND quận Gò Vấp thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè. Quận cũng nghiêm khắc phê bình tập thể, cá nhân còn hạn chế trong công tác quản lý. Năm 2018, quận xử lý gần 4.890 trường hợp với số tiền phạt gần 1,7 tỷ đồng. Ban An toàn giao thông TPHCM đánh giá 4/10 tuyến đường trọng điểm của quận “có chuyển biến”… Tuy nhiên, hiện một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn (như đường Phạm Văn Đồng được xác định là tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị, kiểu mẫu nay trở thành “phố nhậu nhộn nhịp” - PV) bị chiếm dụng là do nhiều nguyên nhân. Nổi bật là người dân buôn bán lấn chiếm vỉa hè thường tái phạm, công tác kiểm tra xử lý chưa liên tục… Từ thực trạng lấn chiếm một số nơi hiện nay, dư luận đặt vấn đề có tình trạng bao che. UBND quận đã chỉ đạo Công an quận phối hợp công an 16 phường tăng cường đấu tranh, phòng chống tội phạm có dấu hiệu hoạt động bảo kê, tranh giành địa bàn hoặc sử dụng lòng đường, vỉa hè. |