Việc cần làm

Những ngày gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình Syria đang gần giống kịch bản của Libya, khi lực lượng đối lập tại Syria gồm nhiều sĩ quan đào ngũ bắt đầu công khai tấn công vào các vị trí của lực lượng chính phủ Tổng thống Basha al-Assad. Bên ngoài phương Tây hô hào ủng hộ lực lượng đối lập và lập vùng cấm bay trên danh nghĩa của Liên đoàn Arab.

Lần này người ta thấy có một phản ứng mạnh mẽ hơn từ Nga. Báo chí Syria đưa tin Nga đã đưa 3 tàu chiến tới vùng biển của Syira, sẵn sàng giáng trả các cuộc tấn công của các thế lực bên ngoài nhằm vào Chính phủ Syria, kể cả chặn nguồn tiếp tế từ bên ngoài cho lực lượng đối lập tại nước này.

Song song đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev còn cảnh báo rằng Nga có thể triển khai hệ thống tên lửa hiện đại tại Kaliningrad hướng vào châu Âu một khi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO hướng về Nga bất chấp NATO và Mỹ luôn cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này chỉ nhằm vào Iran chứ không làm phương hại Nga.

Trước đó, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết nghị quyết lên án Syria do các nước châu Âu đệ trình tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong chuyến công du nước Nga tuần trước, khi thủ tướng Pháp Franois Fillon kêu gọi quốc tế gia tăng sức ép đối với chính quyền Damascus, thủ tướng Vladimir Putin, đã khuyên đồng nhiệm Pháp nên có thái độ kiềm chế. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov nói trên hãng tin Ria-Novosti: “Nhân dân Syria có khả năng giải quyết hòa bình các vấn đề của mình thông qua đối thoại chính trị”. Phó đại sứ Nga tại LHQ Sergey Karev nói: “Không thể lợi dụng vấn đề nhân quyền làm tiền đề cho việc can thiệp vào tình hình nội bộ của một nước”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một bài giảng tại Đại học Tự do quốc tế ở Kishinev, Moldova, nhấn mạnh rằng những hành động khiêu khích của một số nước chống lại Syria cho thấy họ thèm muốn giành lại một số vị trí đã mất trong lĩnh vực kinh tế và tài chính ở tầm quốc tế.

Thái độ của Nga trong vấn đề Syria và Iran trái ngược hẳn với quyết định của Mátxcơva hồi tháng 3 vừa qua trong vấn đề Libya. Đại diện Nga đã vắng mặt khi HĐBA LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép quốc tế can thiệp vào Libya. Thái độ của Nga đã gián tiếp tạo điều kiện để nghị quyết được thông qua, hậu quả sau đó NATO đã lợi dụng nghị quyết này tấn công lật đổ chính phủ hợp pháp ở Libya, và tương lai của Libya đều được các nhà phân tích cả Đông lẫn Tây khẳng định sẽ hỗn loạn như Iraq. Có ý kiến cho rằng Nga hành động vì lợi ích quốc gia của mình.

Dù gì nỗ lực ngăn chặn việc núp dưới danh nghĩa bảo vệ nhân quyền để can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của nước khác là điều cần thiết trong bối cảnh một số thế lực phương Tây bất chấp luật pháp quốc tế, qua mặt LHQ để dùng vũ lực đối với các nước không theo quỹ đạo của mình, đưa thế giới bước vào thời kỳ bất ổn mới. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không mong đợi một cuộc chiến can thiệp công việc nội bộ nước khác và một hành động vũ lực để ngăn chặn cuộc chiến đó. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục