Nhà Xuất bản Giáo dục như tên gọi thì ai cũng biết đó là nhà xuất bản mang nét đặc trưng của ngành nhằm chịu trách nhiệm in ấn xuất bản và phát hành toàn bộ sách giáo khoa phục vụ cho người học trong cả nước. Lập một nhà xuất bản riêng cho ngành giáo dục (GD) nhà nước không ngoài mục đích duy nhất là muốn giữ được sự ổn định về nội dung và giá cả sách giáo khoa nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho học sinh.
Cũng xuất phát từ lẽ đó nên Nhà Xuất bản GD thuận lợi hơn các nhà xuất bản khác, hoạt động độc quyền theo kiểu một mình một chợ và luôn có được một lượng độc giả nhất định. Nhờ đó mà nhà xuất bản này có thể dễ dàng lên kế hoạch hạch toán chính xác khoản lợi nhuận thu được hàng năm, không lo phải thua lỗ vì bị cạnh tranh hoặc mất thị trường tiêu thụ.
Được sự ưu đãi như thế lẽ ra Nhà Xuất bản GD phải tự phấn đấu làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình được giao để phục vụ cho ngành, nhưng tiếc thay đơn vị này đã không làm được như thế.
Còn nhớ cách đây 2 năm, Nhà Xuất bản GD đã cho phát hành một cuốn sách giáo khoa mang nội dung lộn xộn môn nọ lẫn môn kia, khiến tác giả Mai Thi phải lên tiếng phản ảnh qua bài “Sách giáo khoa hay lẫu thập cẩm” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 23-2-2004.
Sau lần nhắc nhở đó, nhà xuất bản này chỉ đưa ra một lời xin lỗi suông rất đơn giản, khiến cho nhiều nhà giáo lại phải lên tiếng phản đối và đề xuất một hướng khắc phục cụ thể công bằng cho khách hàng qua bài “Sao chỉ có lời cám ơn suông?!”, khi đó sự việc này mới được giải quyết thỏa đáng (Báo SGGP số ra ngày 18-3-2004).
Nay trong cơn khủng hoảng tài chánh toàn cầu, bão giá đang hoành hành, Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát và kêu gọi các nhà sản xuất không tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, Nhà Xuất bản GD lẽ ra nên thể hiện rõ trách nhiệm của mình, cố gắng giảm giá bán mặt hàng sách giáo khoa 10%-20% ưu tiên cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa hoặc chí ít thì cũng nên giữ nguyên giá cũ trong năm học tới, cho dầu phải chịu lỗ (khoản thiệt này nếu có, cũng chẳng thấm vào đâu so với các khoản lợi thu được từ những năm trước đó) và cái được lớn nhất chính là niềm tin của dư luận xã hội đối với vai trò của mình.
Việc nâng giá bán sách giáo khoa trong thời điểm này, một lần nữa Nhà Xuất bản GD lại gây nên nỗi thất vọng và bất bình những người làm công tác GD cũng như các PHHS trong cả nước. Chúng tôi thiết nghĩ lần này nhà nước nên can thiệp mạnh tay, giữ giá bán sách giáo khoa cho phù hợp.
Phan Phong (TPHCM)