Dự báo này cho thấy mạng lưới thương mại thế giới vốn bị suy yếu do hàng hóa tồn đọng, thiếu lao động và căng thẳng địa chính trị, nay lại đứng trước viễn cảnh kém lạc quan.
Maersk, một trong những công ty vận tải biển lớn hàng đầu thế giới, cho biết tình trạng trì hoãn vẫn duy trì ở Bờ Tây nước Mỹ, nơi các tàu biển phải chờ đến 4 tuần để dỡ hàng. Điều này tạo “hiệu ứng gợn sóng” trên khắp thế giới khi container tại một số cảng ở Mỹ và châu Âu chất đống, trong khi tại châu Á lại thiếu hụt.
Công ty Nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics nhận định, việc đứt gãy chuỗi cung ứng là khả năng có thể xảy ra. Trong mùa đông này, với kỳ nghỉ lễ cuối năm ở Bắc Mỹ và châu Âu, Tết Nguyên đán tại châu Á, chuỗi cung ứng vốn căng thẳng sẽ đối mặt thêm nhiều khó khăn khi các cảng biển đóng cửa nghỉ lễ. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu người lái xe tải đang diễn ra trên khắp thế giới, còn cơ sở hạ tầng tại các cảng biển không theo kịp các tàu container.
Vận tải biển chiếm tới 90% vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới. Giá thành của dịch vụ này đã tăng vọt trong năm qua. Chi phí vận chuyển một container dài 12m đã tăng 170% so với năm trước. Giá thành vận chuyển ở những tuyến đường có nhu cầu cao như Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan), thậm chí tăng tới gần 200%, từ Hà Lan tới Mỹ cũng tăng 212%.
Năng lực vận tải biển nhanh chóng kiệt sức ở giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19 bởi phần lớn đều dự đoán nhu cầu hàng hóa giảm mạnh, nhưng thực tế lại ngược lại do mọi người đều muốn mua sắm. Ngoài việc thiếu hàng hóa, các nền kinh tế cũng đối mặt với lạm phát tăng. Giá nhiều mặt hàng cơ bản đã tăng tỷ lệ thuận với giá vận tải biển.
Những yếu tố này dẫn đến việc phía cung ứng chịu tác động mạnh do cảng, nhà kho, công ty xe tải đều thiếu người lao động. PGS Flavio Macau tại Đại học Tây Australia cho rằng cần nhiều năm để điều chỉnh diễn biến này vì kinh tế toàn cầu vẫn đang “tăng huyết áp” do phải chịu sự gián đoạn liên tiếp .