Việt kiều tìm hướng đầu tư về nước

Hiện đang có hơn 4 triệu người Việt Nam ở khắp thế giới, nhiều người trong đó đã tích lũy được các kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản trị hiện đại và vốn. Giáo sư Đại học Harvard Ricardo Hausmann tại một hội thảo kinh tế mới đây cho rằng, thông qua đầu tư của các Việt kiều, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình tích hợp với thị trường quốc tế, nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, các khu vực kinh tế nhà nước, đầu tư nước ngoài và tư nhân của Việt Nam chưa có sự phân bổ hợp lý, môi trường kinh tế dành cho khu vực kinh tế tư nhân chưa đủ hấp dẫn, nên Việt Nam cần có những chính sách phù hợp khuyến khích khu vực tư nhân phát triển hơn.

Gợi ý của vị giáo sư đến từ Đại học Harvard không phải là chìa khóa để Việt Nam mở tất cả các cánh cửa phát triển, nhưng cách nhìn vấn đề của ông đã gợi mở thêm một con đường phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cơ hội mà Việt Nam đem lại cho các nhà đầu tư Việt kiều không nhỏ, với thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng và tổng GDP lên đến 204 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt kiều đầu tư về nước không nhiều, thậm chí ở một số nước, các doanh nghiệp Việt kiều hợp tác với người thân trong nước đầu tư ra nước ngoài.

Báo cáo của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, hiện cả nước chỉ có khoảng 3.000 dự án đầu tư của Việt kiều, với số vốn khoảng 2 tỷ USD, trong đó, chỉ có 2/3 số dự án đạt hiệu quả. Nhiều nhà đầu tư thất bại cho rằng, dù chính sách thu hút đầu tư đã thông thoáng hơn trong thời gian qua, nhưng khi vận dụng vẫn có vướng mắc trong việc ra quyết định, thời gian chờ đợi quá lâu, phải thông qua nhiều môi giới, trung gian...

Trong khi đó, đến nay Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trên cả nước vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu hay cẩm nang về các địa chỉ, lĩnh vực đầu tư để giới thiệu cho kiều bào. Một số tỉnh, thành phố trong nước có thông tin về các chính sách và danh sách dự án kêu gọi đầu tư, bao gồm cả các dự án kêu gọi đầu tư cho các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, con số này không nhiều và hầu hết các dự án kêu gọi đầu tư là các dự án lớn, nằm ở vùng khó khăn, nên chưa được doanh nghiệp quan tâm.

Ông David Dương, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt - Mỹ, tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, doanh nhân Việt kiều ở Mỹ và Canada rất quan tâm đến các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường và năng lượng ở Việt Nam. Bởi vì, đây là những lĩnh vực góp phần trực tiếp cải thiện cuộc sống của người dân. Nhưng để thu hút được nguồn lực, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi cụ thể khuyến khích đầu tư dành cho kiều bào, đặc biệt là kiều bào vùng Bắc Mỹ và Canada, khu vực có hơn 2 triệu Việt kiều, chiếm trên 50% người Việt Nam ở nước ngoài.

HẢI VÂN

Tin cùng chuyên mục