Tại hội thảo về phát triển ngành sữa Việt Nam tổ chức sáng 4-12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, sản lượng sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng được 30%, còn lại 70% là nhập khẩu sữa hoàn nguyên (sữa pha lại - sữa bột hòa với nước và được xử lý tiệt trùng).
“Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu tấn sữa, chủ yếu là sữa, kem cô đặc, trong đó 70% là sữa hoàn nguyên. Điều này lý giải nguyên nhân vì sao sữa hoàn nguyên tại Việt Nam đắt hơn cả sữa tươi sạch. Đây cũng là khúc mắc dẫn đến tình trạng không minh bạch trong giá sữa” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám lý giải.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tốc độ phát triển đàn bò sữa của nước ta quá chậm chạp. Mặc dù gần đây, tốc độ phát triển đàn bò sữa tăng từ 10% - 15%/năm nhưng vẫn chỉ là chăn nuôi theo kiểu nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, sản lượng sữa thấp, chất lượng sữa không đảm bảo.
Do đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương, để có một cơ cấu giá khách quan cho người chăn nuôi không bị thua lỗ, đồng thời các nhà máy chế biến cũng mua được giá hợp lý nhất, đề nghị thành lập Ủy ban sữa quốc gia. Ngoài ra, để đảm bảo công bằng về chất lượng sản phẩm giữa các nhà máy chế biến, liên Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ KH-CN phải tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo ghi đúng tỷ lệ sữa tươi trên bao bì sản phẩm sữa.
Theo đánh giá thì nhu cầu và thị trường sữa của Việt Nam còn rất cao. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa của Việt Nam đạt cao trong thời gian gần đây - hiện tại Việt Nam đang có 184.000 con bò sữa, cho ra 420.000 tấn sữa (năm 2013) - nhưng vẫn là một trong 20 quốc gia nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới.
VĂN PHÚC HẬU