Vĩnh Hưng - vùng đất kiên cường

Ngày 30-3-1978, huyện Vĩnh Hưng của tỉnh Long An chính thức được thành lập. 40 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Hưng đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức để đưa huyện vươn lên, phát triển… 
Năm 1978, huyện Vĩnh Hưng được thành lập (có 10 đơn vị hành chính) trên cơ sở chia tách từ huyện Mộc Hóa (Long An). Huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Long An, thuộc khu vực Đồng Tháp Mười.
“Khi mới thành lập được mấy tháng thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, mà địa bàn Vĩnh Hưng là một trong những trọng tâm, trọng điểm. Rồi mùa nước nổi năm đó bất chợt nước dâng cao, ngập cả đồng bằng, làm cho tình hình lúc đó càng thêm phức tạp. Nhất là đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Có thể nói lúc này là thời kỳ “gian nan thử sức” nhất đối với Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Hưng”, ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng nhớ lại.
Cũng theo ông Liêm, trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ huyện lâm thời đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân huyện nhà vượt qua khó khăn, thử thách này… 
Vĩnh Hưng - vùng đất kiên cường ảnh 1 Huyện Vĩnh Hưng phấn đấu xây dựng thị trấn Vĩnh Hưng thành đô thị loại 4 vào năm 2020
Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, thiên tai lũ lụt cũng lần lượt đi qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Hưng lại bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân. Để cải tạo đất, để sản xuất lương thực, tất cả không ngại gian khó, kể cả hy sinh, hàng ngàn, hàng vạn lao động đã tập trung tháo gỡ bom mìn, đào kinh, xẻ mương dẫn nước về tháo chua, rửa phèn…
Công cuộc cải tạo, khai phá này đã đem lại hiệu quả rất lớn, nhưng cũng đã có hơn 500 người ngã xuống khi tháo gỡ bom mìn. Đó là chưa nói đến hàng ngàn trâu, bò, máy cày, máy xới cũng bị thiệt hại. 
Có đến vùng đất Vĩnh Hưng hôm nay, nghe kể chuyện gian khó ngày xưa, mới thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất này thật thần kỳ. Đò giang cách trở ngày nào giờ đã được thay bằng những cây cầu kiên cố, các con đường nhựa láng bóng cũng đã nối liền các xã. Trường học, bệnh viện, trạm xá được xây dựng khang trang. Góc trời biên giới Vĩnh Hưng cũng đã có dòng điện quốc gia kéo về…
Tính đến năm 2017, toàn huyện có 98,8% hộ dân sử dụng điện, 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng lên. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân được coi trọng…
Ông Trương Văn Tiếp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, nguyên lãnh đạo huyện Vĩnh Hưng trước đây, tâm sự: “Thấy sự phát triển hôm nay mới quý công sức xây dựng ban đầu của những người đi trước. Chúng ta đã vượt qua tất cả, đó là một kỳ tích!”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng, khẳng định: “Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Hưng đạt được trong 40 năm qua, trước hết là do đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đã thật sự đi vào cuộc sống.
Đặc biệt là khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chủ trương tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười, đây là nền tảng quan trọng để Vĩnh Hưng vững bước đi lên. 40 năm đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc không phải là dài, nhưng đối với Vĩnh Hưng đó là một chặng đường rất đỗi tự hào và có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng.
Những thành tựu đạt được ngày hôm nay chỉ là bước đầu, bởi Vĩnh Hưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trách nhiệm xây dựng huyện Vĩnh Hưng sẽ được các thế hệ hôm nay tiếp bước dựng xây, với tinh thần tiến công là đoàn kết một lòng, luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm xây dựng quê hương Vĩnh Hưng ngày càng phát triển giàu đẹp”.

Tin cùng chuyên mục