Vịnh tránh bão

Trong bối cảnh thế giới đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức dồn dập những ngày cuối năm 2011 đều góp phần khẳng định thêm xu hướng coi trọng khu vực kinh tế nông nghiệp. Câu tục ngữ “Lấy nông làm gốc” (dĩ nông vi bản) thêm một lần nữa chứng tỏ tính đúng đắn của nó.

Tại các diễn đàn này, nhiều diễn giả chia sẻ quan điểm cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp có thể xem như “vịnh tránh bão” cho kinh tế Việt Nam, bởi không phải nước nào cũng có điều kiện làm nông nghiệp, trong khi đó, nếu túi tiền eo hẹp, người ta sẽ bớt sắm ô tô, dừng mua kim cương, bớt xài mỹ phẩm, thời trang, nhưng không thể không sử dụng các mặt hàng lương thực, thực phẩm!

Một chân lý dễ dàng được mọi người nhất trí với nhau là để có được những mùa vụ bội thu – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – thì nông nghiệp cần phải được đầu tư xứng đáng. Chưa bàn đến việc đầu tư cho nông nghiệp phải cân đối với các ngành khác như thế nào, thì ngay trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần có sự tính toán hợp lý. “Liệu cơm gắp mắm” khi nhà còn nghèo là tất yếu, vấn đề là “cơm” và “mắm” đã vừa khéo với nhau chưa?

Theo tính toán, tổng đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp hiện chủ yếu mới chỉ dành cho cơ sở hạ tầng; lượng vốn đầu tư cho lai tạo giống, công nghệ sinh học… chỉ chiếm khoảng 30% tổng ngân sách. Trong “chiếc bánh” nhỏ đó, tỷ lệ đầu tư cho các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, hướng những khoản đầu tư trực tiếp vào nông dân nhằm gia tăng năng suất, chất lượng nông sản còn ít ỏi hơn nữa.

Cụ thể, trong cơ cấu phân bổ ngân sách năm 2011, tổng vốn đầu tư phát triển được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 3.672,3 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện của ngành nông nghiệp tính đến hết tháng 11-2011 ước đạt 4.378,9 tỷ đồng: vốn đầu tư cho thủy lợi gần 2.520 tỷ đồng; đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn đạt 1.249 tỷ đồng; đầu tư phát triển cho ngành thủy sản chỉ ở mức 22 tỷ đồng. Vốn đầu tư cho chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở mức 18,5 tỷ đồng; vốn cho phát triển khoa học, công nghệ trong ngành nông nghiệp chỉ là 43,93 tỷ đồng... Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện tại nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất “lãng phí”: xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, nên giá trị thấp. Ngoài ra, do năng suất lao động thấp nên giá thành sản phẩm nông nghiệp cao hơn, kém sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại ở những quốc gia khác.

Bên cạnh hạ tầng nông thôn, thời gian tới, Nhà nước cũng cần tập trung vốn nhiều hơn cho việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, hướng những khoản đầu tư trực tiếp vào nông dân nhằm gia tăng năng suất nông nghiệp, bảo quản tốt hơn sản phẩm sau thu hoạch, phát triển chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm… Một khuyến nghị quan trọng khác là việc trích lại một phần số thu từ xuất khẩu nông sản để đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Ngoài ra, cần rà soát lại các tiểu chương trình, dự án thành phần trong các chương trình mục tiêu quốc gia để tránh sự trùng lắp về nội dung, địa bàn hoặc đầu tư dàn trải, manh mún. Từ thực tế giám sát, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội từng thẳng thắn nhận xét, có những xã nghèo “được phủ tới 4-5 chương trình mục tiêu mà vẫn không kín, người dân vẫn không “ấm”. Nếu vì quản lý kém hay “dĩ hòa vi quý” mà chia nhỏ số tiền để mọi địa phương, mọi ngành đều hài lòng thì đất nước chỉ ngày càng nhiều thêm những dự án manh mún, dang dở!

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục