Vĩnh viễn nụ cười Viễn Phương

TRẦN THANH ĐẠM
Vĩnh viễn nụ cười Viễn Phương

Cho đến bây giờ, khi anh vừa mới mất, tôi nghĩ lại 30 năm qua, từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, anh đã đến với tôi, đúng hơn là đến với lòng tôi, bởi đã quen anh rồi thân anh và yêu quí anh từ lúc nào, tôi cũng không nhớ nữa. Có lẽ đối với các người khác, các bạn bè, đồng chí của anh cũng vậy, anh đến với họ, lặng lẽ, đằm thắm rồi chiếm lấy thiện cảm và yêu mến của họ một cách tự nhiên, như là người thân thích tự bao giờ. Có lẽ tự anh, anh cũng không để ý đến điều đó, vì đó là nét tự nhiên của người anh, đời anh.

Vĩnh viễn nụ cười Viễn Phương ảnh 1

Nhà thơ Viễn Phương chụp ảnh lưu niệm trước Lăng Bác.

Tôi cũng nghĩ lại có cái gì ở anh tạo ra cái sức quyến rũ đặc biệt ấy. Tất nhiên, đó là vì thơ anh, văn anh, mà thơ văn của anh cũng là đời anh, người anh. Nhưng hình như còn có một cái gì nữa. Tôi bỗng nhớ lại trong bài tựa viết cho tập thơ Phù sa quê mẹ, nhà thơ Chế Lan Viên thuật lại cái ấn tượng lần đầu tiên gặp Viễn Phương.

Khi đó, anh cùng một số nhà thơ, nhà văn từ chiến trường miền Nam đang vào hồi nóng bỏng, ác liệt nhất, giữa đêm khuya đến đập cửa nhà số 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội, trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam. Lần đầu tiên đến thủ đô, đến cái nôi của văn nghệ cả nước, mọi người rộn ràng, tíu tít vui mừng.

Còn nhà thơ vóc dáng thư sinh, tác giả bài thơ nổi tiếng Đám cưới mùa xuân (lúc bấy giờ được hâm mộ cùng với bài thơ Quê hương của Giang Nam, Mồ anh hoa nở của Thanh Hải ở miền Bắc hậu phương) thì chỉ lặng lẽ một nụ cười hiền hậu, ngượng nghịu nữa như con gái. Không ai nghĩ con người ấy đã từng tham gia kháng chiến 9 năm chống Pháp, sau 1954, không tập kết, ở lại miền Nam, đấu tranh hợp pháp và bí mật ở Sài Gòn, viết Sắc lụa Trữ La, bảo vệ hàng nội hóa, mướn hình tượng Bạch Khởi để công kích bọn độc tài tay sai Mỹ sát hại đồng bào: Bạch Khởi! Có nghe sông núi thét / Bạo tàn đâu khuất dưới – lòng dân! Rồi anh bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi khét tiếng, rồi ra bưng, ra vùng giải phóng, từng bám trụ nhiều năm ở vùng đất thép Củ Chi…

Nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét: trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt như thế mà thơ Viễn Phương lại là thơ tình Đám cưới mùa xuân. Và các bài thơ khác của anh là thơ chiến đấu song cũng là thơ tình vì bao giờ cũng thấm đượm một hương vị dịu ngọt của tình yêu thương đối với quê hương đồng bào, đồng đội, đồng chí. Tình yêu thương đó là cái nền, cái hồn của mọi bài thơ đấu tranh dù quyết liệt nhất của anh.

Trong văn thơ cũng như ở con người anh, luôn luôn thấp thoáng một nụ cười hiền dịu, hơi buồn buồn mà nhiều khi hóm hỉnh, cười nhiều ở mắt, mà Chế Lan Viên đã nhận thấy ngay khi mới gặp anh. Và tôi cũng vậy. Tôi đã lý giải được cái gì ở anh đã quyến rũ tôi không biết tự bao giờ. Đúng là do thơ văn anh mà tôi đã đọc. Nhưng đó còn là và chính là cái nụ cười rất dễ thương mà rất thâm trầm đó của anh. Phải là con người có một tâm hồn trong trắng lắm mới có một nụ cười như vậy. Và mới có những vần thơ, câu văn như của anh. Chính cái nụ cười ấy làm nên nhân cách và phong cách Viễn Phương trong đời và trong thơ. Nó nhẹ nhàng mà thắm thiết đối với những tâm hồn, những tấm lòng bè bạn.

Anh ngã bệnh nặng sau khi tập thơ Gió lay hương quỳnh của anh được in ra rất đẹp. Anh rất sung sướng về thi phẩm ấy và có vẻ rất thích tên gọi của tập thơ, có lẽ vì đó chính là tâm hồn anh. Như hương quỳnh trong gió nhẹ, sau bao nhiêu giông bão của lịch sử, anh đã trở về với chính anh: một tâm hồn chan chứa, thắm thiết yêu thương đối với cuộc đời. Thế mà nay anh đã từ giã cuộc đời này vĩnh viễn. Tôi viết lời bạt cho tập thơ của anh song khi sách in ra, tôi đọc lại từng bài và lại có bao nhiêu điều nữa muốn nói về anh, với anh. Tôi viết mấy câu thơ tặng anh:

Củ Chi từng đội bom
Từng ngồi tù Phú Lợi
Ngọn bút làm thanh gươm
Trái tim thành lửa cháy
Kiên cường và yêu thương…
Ngàn sau còn sắc hương
Hoa quỳnh và mây trắng
Những câu thơ đằm thắm
Như nụ cười Viễn Phương…

Tôi đến thăm anh, đưa cho anh bài thơ, trên giường bệnh, anh lẩm nhẩm đọc từng chữ rồi đặt lên môi hôn, nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Tôi nén nước mắt khi nhìn vào đôi mắt ấy. Mấy hôm sau, anh ra đi.

Anh là hoa quỳnh và mây trắng. Trong bài thơ anh viếng nhà thơ Tố Hữu có hai câu: Chiều nay cánh hạc vào mây trắng / Mà dưới trần gian lệ chảy quanh…

Trong nước mắt của những người còn ở lại, hôm nay chính anh cũng đã thành cánh hạc bay vào mây trắng, để lại trần gian những bài thơ, câu văn như những nụ cười yêu thương đằm thắm, nụ cười Viễn Phương.

22-12-2005
TRẦN THANH ĐẠM

Tin cùng chuyên mục