Ngày 24-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020. Báo cáo của VNPT cho biết, năm 2019, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận đạt 7.100 tỷ, tăng 10% so với năm 2018; nộp ngân sách nhà nước 4.926 tỷ đồng, tăng 10% so với 2018.
Năng suất lao động theo doanh thu trung bình đạt 1,521 tỷ/người, tăng 1,7% so với 2018. Trong năm 2019, VNPT đã giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone. Thương hiệu VNPT đã vươn lên vị trí thứ 2 trong TOP 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam.
Trong khi đó, thương hiệu VinaPhone cũng duy trì đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn VNPT trở thành doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có 2 thương hiệu nằm trong TOP 10 thương hiệu lớn nhất. VinaPhone là nhà mạng duy nhất có số thuê bao chuyển đến lớn hơn so với số thuê bao chuyển đi gần 60.000 thuê bao.
Dịch vụ MyTV của VNPT có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới, với hơn 750.000 thuê bao, tăng 210% so với thực hiện năm 2018, đạt 1,63 triệu thuê bao toàn mạng lưới.
Cùng với đó, VNPT tiếp tục nghiên cứu phát triển và cho ra đời các sản phẩm đầu cuối mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa do VNPT tự chủ sản xuất, không phải nhập khẩu đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Kết quả này khẳng định năng lực của VNPT trong sản xuất thiết bị công nghệ công nghiệp, đảm bảo an ninh thông tin, đồng thời tăng tính chủ động của VNPT trong phát triển mạng lưới.
Đặc biệt, tháng 8-2019, VNPT đã khánh thành nhà máy sản xuất sợi quang công nghệ cao đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á với công suất thiết kế lên tới 3,2 triệu km sợi quang/năm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải cho rằng, VNPT cần nghiên cứu một số xu hướng của thế giới sẽ ảnh hưởng đến thị trường viễn thông Việt Nam như tác động của IoT, các dịch vụ xuyên biên giới. Bên cạnh đó, thế giới đã xuất hiện nhiều bối cảnh mới mà có thể có tác động rất lớn đến các dịch vụ hạ tầng, ví dụ như hệ thống WiFi Free của Google Station hay là thế hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp cung cấp Internet giá rất rẻ đến hộ gia đình có khả năng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta trong một vài năm tới.
Bộ TT-TT sẽ nghiên cứu để đưa ra cách thức quản lý cho phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông trong thời gian tới. Bộ TT-TT sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để mở rộng không gian cho hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông từ hạ tầng viễn thông truyền thống chuyển đến cái hạ tầng số, phát triển các dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Phạm Hồng Hải cũng tin tưởng với chiến lược mà VNPT đưa ra trong những năm tiếp theo sẽ thúc đẩy tập đoàn này phát triển mạnh trong bối cảnh mới và hình thành doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như dẫn dắt quá quá trình chuyển đổi số của đất nước.
Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh thị trường bưu chính, thị trường CNTT và viễn thông đang ở mức bão hòa đối với các dịch vụ cơ bản và hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông ngày càng trở nên khốc liệt, VNPT vẫn tăng trưởng lợi nhuận theo kế hoạch đề ra và thể hiện được vị trí chủ lực của tập đoàn trong lĩnh vực ICT; nhất là đóng góp của VNPT cho lĩnh vực viễn thông và CNTT của đất nước như việc xây dựng thành công TLTVBQG, CDVCQG và hàng loạt dự án hỗ trợ phát triển CNTT tại địa phương.
Trong năm 2019, VNPT tiếp tục đẩy mạnh đưa các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi trong triển khai Chính phủ, tổ chức/doanh nghiệp đi vào thực tiễn cuộc sống. Đến nay, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 53 tỉnh/thành; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh; Giải pháp phòng họp không giấy tờ VNPT-eCabinet đã triển khai cho UBND TPHCM và gần 150 đơn vị. VNPT đã khảo sát, tư vấn xây dựng Đề án đô thị thông minh cho 28 tỉnh/thành (tăng 8 tỉnh/thành); Triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; Triển khai giải pháp Du lịch thông minh gần 50 tỉnh/thành (tăng 20 tỉnh/thành). Hiện gần 55% cơ sở y tế đã sử dụng VNPT-HIS, gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu Dịch vụ hóa đơn điện tử, đạt khoảng 1.400.000 hóa đơn phát hành, tăng gấp đôi so với năm 2018. |