Ngày cuối tuần, binh sĩ Ấn Độ và Pakistan tiếp tục đấu súng hạng nặng tại Ranh giới kiểm soát (LoC) phân chia khu vực tranh chấp Kashmir. Những ngày qua, hai bên tố cáo nhau nã pháo trước và mình đáp trả. Đường biên giới trên thực tế LoC dài 720km chia vùng Kashmir thuộc dãy núi Himalaya làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát nhưng cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực Kashmir. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn năm 2003, tại khu vực này vẫn xảy ra đấu súng giữa lực lượng biên phòng hai nước và hai bên đều cáo buộc nhau về hành động khiêu khích trước.
Theo sau sự căng thẳng quân sự, các rạp chiếu phim lớn ở Pakistan đã cấm chiếu phim Ấn Độ trong hành động mà họ gọi là “thể hiện tình đoàn kết với các lực lượng vũ trang của đất nước”. Việc tẩy chay phim Ấn Độ đã được công bố ở Lahore, Karachi và Islamabad. Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất truyền hình Ấn Độ cũng đã ra lệnh cấm các diễn viên Pakistan làm việc cho Bollywood. Mặc dù thừa nhận có thể chịu thiệt về tài chính do tính phổ biến của phim Bollywood tại Pakistan, các chuỗi rạp chiếu phim lớn của Pakistan nói họ đã thực hiện quyết định tự phát không chiếu phim Ấn Độ ít nhất một vài tuần, hoặc cho đến khi những gì mà họ gọi là bình thường trở lại trong quan hệ giữa hai nước.
Không chỉ văn hóa bị ảnh hưởng, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã tổ chức cuộc gặp với các thành viên Bộ Tài nguyên Nước và Bộ Ngoại giao để bàn về khả năng điều chỉnh lưu lượng nước sông Ấn. Hiện lưu vực xuyên biên giới này được thực hiện bởi Hiệp ước nguồn nước sông Ấn ký kết giữa hai quốc gia năm 1960. Cho đến giờ, thỏa thuận vẫn được tôn trọng bất luận có nhiều xung đột đã xảy ra giữa hai bên. Nhưng lần này, Thủ tướng Ấn Độ Modi tỏ rõ quyết tâm tìm kiếm một phản ứng phi quân sự để đáp trả. Trước mắt, các cuộc đàm phán với Pakistan về quản lý nguồn nước đã tạm ngưng. Theo các chuyên gia, nếu Ấn Độ cắt đứt không cho Pakistan ở phía hạ lưu tiếp cận nguồn nước sông Ấn, hậu quả sẽ rất thảm khốc vì 90% diện tích trồng trọt ở Pakistan phụ thuộc vào con sông này. Pakistan sẽ hứng chịu hạn hán nghiêm trọng, lưu lượng nước giảm trong khi đó lại thiếu hồ dự trữ nước, không có nước làm thủy điện. Hai hồ chứa chính, Mangla và Tarbela có thể chỉ chứa đủ nước cho 30 ngày, vào mùa đông còn ít hơn, đặc biệt là ở các vùng Sindh, Balouchistan và Pendjab thường xuyên thiếu mưa.
Hơn 2 năm về trước, vào tháng 5-2014, chuyến đi của Thủ tướng Pakistan Mian Nawaz Sharif tới New Delhi (Ấn Độ) theo lời mời chính thức từ phía đối tác Ấn Độ để tham gia lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng mới là Narendra Modi, được giới phân tích quan tâm. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Thách thức nào đang đợi chờ phía trước trong quan hệ Pakistan - Ấn Độ? Triển vọng cho quan hệ tương lai giữa hai nước là gì và các nước trên sẽ đóng vai trò như thế nào trong trật tự khu vực? Tuy nhiên, giai đoạn mới nhưng việc bình thường hóa quan hệ Pakistan và Ấn Độ luôn vấp phải trở ngại từ vòng luẩn quẩn của những vấn đề cũ như: Kashmir, phân bố nguồn nước sông Ấn, thuế quan thương mại nặng nề… Đấu pháo quân sự đã biến hàng chục ngàn người dân khu vực Kashmir trở thành nạn nhân. Tẩy chay văn hóa sẽ gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Và nước, nguồn sống của bao người nay có nguy cơ là nguyên nhân đẩy cuộc chiến lên cao hơn nữa vì Pakistan đã khẳng định sẽ mạnh tay nếu Ấn Độ dùng sông Ấn gây áp lực với nước này.
VIỆT KHUÊ