Vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm: Đã có 27/86 bị cáo được luật sư bào chữa

Hôm nay, 25-3, phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm bước sang ngày xét xử thứ 15. Các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo.

Sau phần luận tội và đề nghị của viện kiểm sát (VKS), các luật sư đã bào chữa cho các bị cáo. Hiện đã có 27/86 bị cáo được luật sư bào chữa và tự bào chữa. Quan điểm chung của các luật sư là không tranh luận về tội danh nhưng cho rằng mức án đề nghị của VKS quá nghiêm khắc. Các bị cáo chỉ có vai trò thứ yếu trong “chuỗi rút tiền - giải quỹ” của bà Lan, quá trình điều tra cũng như xét xử đã có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải… Các luật sư của bị cáo Lan đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản” với bị cáo, đồng thời xác định lại thiệt hại của vụ án.

Trước đó tại phiên xét xử ngày 19-3, VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội ‘Đưa hối lộ”, 19-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt đề nghị tuyên phạt bà Lan án tử hình. Đối với các bị cáo còn lại, VKS đề nghị tuyên 4 án chung thân, các bị cáo thấp nhất từ 3 năm tù treo tới cao nhất 22-24 năm tù.

Theo đại diện VKS, quá trình xét xử đã làm rõ: Bị cáo Trương Mỹ Lan đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB. Bà Lan sử dụng SCB như là “công cụ” tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để rút tiền sử dụng cho mục đích cá nhân. Khi được SCB giải ngân theo hồ sơ khống, bị cáo Lan đã chỉ đạo cấp dưới lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền bằng cách lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống. Tiếp tay, giúp sức cho Trương Mỹ Lan, nhóm lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tại SCB đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Lan, phối hợp với các bị cáo thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện hành vi phạm tội.

Tin cùng chuyên mục