Vụ bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Nhiều vấn đề pháp lý cần làm rõ

Liên quan đến vụ bán 100 USD, cả người bán và công ty T.L ở TP Cần Thơ bị phạt 270 triệu đồng xôn xao dư luận những ngày qua, đến nay đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập pháp lý do giới luật sư chỉ ra, nhất là việc khám xét đối với Doanh nghiệp T.L và tịch thu số kim cương, đá quý.

Về câu hỏi vì sao vụ việc diễn ra vào ngày 30-1 nhưng mãi đến 8 tháng sau, tức vào ngày 4-9, UBND TP Cần Thơ mới ra quyết định xử phạt? LS Nguyễn Văn Ninh, Đoàn luật sư TP Cần Thơ, cho biết: Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) của UBND TP Cần Thơ vẫn còn.

Cụ thể, nếu chỉ xét thời gian lập biên bản “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC” là ngày 30-01-2018, cho đến khi UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt VPHC (4-9-2018), nhiều người sẽ cho rằng đã hơn 6 tháng thì sẽ không còn thời gian ra quyết định xử phạt VPHC. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét đến quyết định số 84/QĐ-CQĐT (18-7-2018) về việc không khởi tố vụ án hình sự của Công an TP Cần Thơ. Tức vụ việc trước đó được xem xét khởi tố hình sự, nhưng cơ quan điều tra đã chuyển sang xử phạt VPHC. Do đó, thời gian ra quyết định xử phạt VPHC sẽ được tính từ thời điểm này.

Cụ thể, khi khám xét toàn bộ căn nhà, lực lượng chức năng phát hiện 9 hộp nhựa kim loại màu vàng, kim loại màu trắng, hột đá. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty T.L chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 

Sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số tang vật trên cùng 100 USD, 1 đầu thu camera và thùng sổ sách, chứng từ liên quan. Sau đó, Công an TP Cần Thơ đã 3 lần ra quyết định kéo dài và gia hạn thời hạn tạm giữ. 

Trong quá trình xử lý vụ việc, Phòng Cảnh sát kinh tế nhận thấy vụ VPHC có dấu hiệu tội phạm nên chuyển sang cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sau quá trình xác minh, đến ngày 18-7, Cơ quan Điều tra Công an TP Cần Thơ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Theo LS Nguyễn Trường Thành, Đoàn luật sư TP Cần Thơ, có khá nhiều vấn đề chưa đúng quy định của pháp luật trong việc khám xét trụ sở công ty T.L. 

Cụ thể, Luật Xử lý VPHC quy định Chủ tịch UBND quận chỉ có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét chỗ ở của công dân, không quy định chủ tịch UBND cấp quận được ban hành lệnh khám xét trụ sở doanh nghiệp. Trong khi đó, địa điểm Công ty T.L lại vừa là chỗ ở, vừa là trụ sở. 

Ngoài ra, việc Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều giao cho đội trưởng đội Cảnh sát kinh tế quận thực hiện quyết định khám xét cũng cần phải xem xét có đúng thẩm quyền hay không. Vì việc giao nhiệm vụ cho Đội này thầm quyền thuộc Giám đốc Công an TP Cần Thơ hoặc Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Vấn đề cần làm rõ là lệnh khám xét của UBND quận Ninh Kiều là khám xét chỗ ở của công dân (cụ thể là chỗ ở của Giám đốc Công ty T.L.) chứ không phải khám xét doanh nghiệp. Thế nhưng, tại sao UBND TP Cần Thơ lại ra quyết định xử phạt VPHC đối Công ty T.L. mà không phải là chủ nhân căn nhà?

Liên quan đến số kim cương, đã bị tịch thu, LS Nguyễn Văn Ninh, Đoàn luật sư TP Cần Thơ, cho biết: Trong trường hợp cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ bắt quả tang, khám xét Công ty T.L. liên quan đến hành vi “mua ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” thì chỉ có thể xử lý các vi phạm liên quan đến ngoại tệ. Trong khi đó, số tài sản khác (bao gồm 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo) lại không phải là hàng hóa được trưng bày tại cơ sở kinh doanh để phục vụ cho hoạt động mua bán, mà được cất giữ tại một không gian cá nhân là nhà ở. Do đó, việc thu giữ cũng như tịch thu số tài sản trên là không có căn cứ.

Theo các luật sư, Công ty T.L và anh Rê có quyền kiện ra tòa về tính hợp pháp từ quyết định xử phạt VPHC của UBND TP Cần Thơ để bảo vệ quyền lợi của mình.

Xem lại quy định để phù hợp hơn

° ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội:

Theo quy định, dù mua bán 10 USD hay 100 USD tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt. Việc cá nhân đổi ngoại tệ với nhau không nói làm gì, nhưng đây là cửa hàng kinh doanh vàng bạc nên phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về việc cấm mua bán ngoại tệ khi không được phép. Thành công của chúng ta trong việc quản lý tỷ giá ngoại hối, nhất là tỷ giá đồng USD trong thời gian qua chính nhờ việc quản lý mua bán ngoại tệ, không để USD hóa.

° PGS-TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH:

Thực sự tôi thấy rất ngỡ ngàng với vụ việc này. Việc xử phạt là đúng nhưng cũng cần phải xem lại quy định để phù hợp hơn. Bởi ở đây có thể người dân họ không mua bán, mà chỉ là đi đổi. Đổi 100USD mà bị phạt tới 90 triệu đồng là quá cao, không hợp lý. Nếu mua bán thì phạt cao không sao. Như thế cũng có thể thấy quy định trong vấn đề này không chặt chẽ, cần xem xét lại. Qua sự việc này cũng cho thấy việc tuyên truyền trong vấn đề này chưa tốt, nhiều người dân rõ ràng không biết, không hiểu về quy định này. Người dân họ sẽ so sánh nhiều với vấn đề vi phạm an ninh trật tự, độc hại, nguy hiểm, vi phạm giao thông, thực phẩm... thì chỉ bị phạt vài triệu, vài trăm ngàn đồng.

Tin cùng chuyên mục