Vu Lan mùa báo hiếu

“Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng...”
Vu Lan mùa báo hiếu

* Hơn 15.000 Tăng ni, Phật tử, du khách dự lễ Vu Lan tại khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên
*
TP Hồ Chí Minh: Thực phẩm chay tiêu thụ mạnh trong dịp Lễ Vu Lan 

“Tháng sáu buôn nhãn bán trâm / Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Câu ca dao trên từ lâu đã khắc sâu vào ký ức người dân Việt qua nhiều đời và trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh. Khi nói đến chữ “hiếu” nhiều người nghĩ ngay đến “Tháng bảy ngày rằm”. Và hàng năm, dù tất bật ngược xuôi, dù bộn bề công việc đến mấy, nhưng đến mùa Vu Lan ai ai cũng không thể quên đi lễ chùa, để được cài một bông hồng trên ngực tưởng nhớ đến mẹ và những người đã khuất…

Đông đảo người dân đến dự lễ Vu Lan tại chùa Vĩnh Nghiêm

Đông đảo người dân đến dự lễ Vu Lan tại chùa Vĩnh Nghiêm

  • “Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng...”

Sân chùa Vĩnh Nghiêm những ngày này nghi ngút khói hương và dòng người tấp nập từ khắp nơi đổ về tham dự các hoạt động của đại lễ Vu Lan (diễn ra từ 11 đến hết ngày 15-7 Âm lịch). Đợi mọi người vào hết trong chánh điện chùa, ông Trang Văn Tư mới quỳ sụp dưới tượng Phật đặt trước sân và thành kính vái lạy. Một lúc sau, một người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần dắt theo đứa bé bước lại quỳ cạnh bên ông. “Lạy Phật đi con” - người phụ nữ nhắc nhỏ đứa bé. Khi nén nhang đã cháy được non nửa, ông Tư mới đứng lên cúi khẽ đầu nói không thành câu: “Mong mẹ siêu thoát…”.

Thấy tôi chăm chú quan sát, ông tiến lại nói: “Mẹ tôi mất năm 1968, hồi Tết Mậu Thân. Còn vợ tôi thì mất gần 10 năm rồi. Năm nào cả nhà cũng đến chùa dịp rằm tháng 7 để con cháu tưởng nhớ đến bà, đến mẹ và những người quá cố”.

Các bạn trẻ vui mừng khi được cài hoa hồng đỏ trong mùa báo hiếu Vu Lan. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các bạn trẻ vui mừng khi được cài hoa hồng đỏ trong mùa báo hiếu Vu Lan. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chị Nguyễn Thị Điệp (nhà ở phường Tân Định, quận 1) năm nào cũng đến chùa Hải Đức (quận Phú Nhuận) thắp nén nhang thành kính nhớ mẹ. Sau khi dâng mâm trái cây lên bàn Phật, chị ngồi nhẩm đọc một đoạn trong kinh Địa tạng, rồi đến góc chùa gióng một hồi chuông kính nhớ mẹ và những người thân đã khuất. “Tôi không còn mẹ, nhưng tôi rất hạnh phúc vì lúc nào cũng cảm thấy có mẹ bên cạnh nâng đỡ trên bước đường đời” - chị tâm sự.

Đứng cạnh chị, 2 người đàn ông chắp tay. Một người nhẹ nhàng bước tới cắm nén nhang trên bàn Phật khẽ gọi: “Mẹ ơi…”. Khi người đàn ông quay mặt xuống, tôi chợt nhìn thấy mắt ông đỏ hoe. Quay sang người em đang khấn kinh cầu siêu, ông bảo: “Mi hứa với mẹ điều chi phải làm cho tròn đấy”. Giọng Quảng Nam đặc sệt, ông nói: Nhà nghèo, mẹ chết sớm hai anh em phiêu bạt khắp nơi kiếm sống. Mùa Vu Lan năm nào cũng đến chùa báo công, báo việc cho mẹ và nhủ lòng với mẹ phải làm tốt những gì đã hứa…

Trong ngày rằm tháng 7 này, ai không còn mẹ sẽ cài một bông hồng trắng trên ngực áo. Những người còn mẹ sẽ cài một bông hồng đỏ. Dù còn mẹ hay không còn mẹ nhưng họ đều có niềm hạnh phúc giống nhau, đã giành được trọn tình cảm của mình nhớ đến mẹ và những người thân đã khuất. Đúng như lời bài thơ của một người phụ nữ cất lên trước sân chùa Phổ Quang trong mùa Vu Lan năm nay: “Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng; vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười”. 

Người dân đi chùa Vĩnh Nghiêm dự Đại lễ Vu Lan

Người dân đi chùa Vĩnh Nghiêm dự Đại lễ Vu Lan

  • Tôn vinh tinh thần báo hiếu

Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM cho biết: Mùa Vu Lan từ lâu đã trở thành mùa báo hiếu của tất cả những người con Phật. Ở tất cả các chùa đều tổ chức an cư kiết hạ cho tăng ni và cúng cầu an, cầu siêu cho người còn sống và quá cố. Để ai cũng được hưởng mùa báo ân trong hạnh phúc và tràn đầy yêu thương trong vòng tay xã hội. Hầu hết các ngôi chùa, tự viện đều tổ chức tặng quà người nghèo, tặng học bổng các em có hoàn cảnh khó khăn…

Phát gạo, quà tặng người nghèo tại chùa Vĩnh Nghiêm nhân mùa lễ Vu Lan. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát gạo, quà tặng người nghèo tại chùa Vĩnh Nghiêm nhân mùa lễ Vu Lan. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lễ Vu Lan được các chùa tổ chức trong ngày rằm tháng 7 với nghi thức bông hồng cài áo, để mọi người nhớ về mẹ, để tôn vinh mẹ, để mừng mẹ còn tại thế và xót xa khi nghĩ đến mẹ đã không còn.

Ở một góc nhìn tâm linh khác, như lời đại đức Thích Minh Hiếu (chùa Vĩnh Nghiêm), mùa Vu Lan còn có ý nghĩa đền đáp đấng sinh thành. Đây được cho là tinh thần báo hiếu, nét văn hóa tâm linh của những người còn sống tưởng nhớ đến người thân đã quá cố. Trong lễ Vu Lan, hình ảnh người mẹ được đặt ở vị trí trung tâm, để mỗi người dù còn mẹ hay đã mất mẹ đều muốn làm một việc gì đó để mẹ vui và hạnh phúc. 

* Sáng nay, 13-8 (tức 14-7 âm lịch), tại khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên đã tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu với sự tham dự của trên 15.000 Tăng ni, Phật tử, du khách. Hơn 500 vị Chư tôn giáo phẩm, Tăng ni đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ cùng nhiều nghi lễ Phật pháp trang nghiêm.

Tăng ni, Phật tử dự lễ Vu Lan tại khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên

Tăng ni, Phật tử dự lễ Vu Lan tại khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên

Đây là dịp để các phật tử, du khách tri ân tưởng nhớ công ơn trời biển của các bậc sinh thành và cùng tham gia cầu nguyện cho bá tánh thập phương được nhiều an lành, đất nước hòa bình, phát triển và phồn vinh. Đây cũng là dịp lập phúc cầu an, để du khách và bà con Phật tử cả nước cùng thắp nén hương thành kính tỏ lòng hiếu hạnh, sự tôn kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Dịp này khu Du lịch Văn hóa cũng đã mở tiệc tiệc Buffet chay phục vụ miễn phí Phật tử và du khách thập phương với 15.000 lượt du khách/ngày. Các Phật tử, du khách cũng được thưởng thức chương trình ca múa nhạc, trích đoạn cải lương với nhiều tiết mục đặc sắc mang chủ đề về đạo Phật và chữ Hiếu.

* Sáng 13-8, tại chánh điện chùa Từ Đàm (TP Huế), gần 2.000 tăng ni, phật tử tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến tham dự lễ Vu Lan - Báo hiếu năm 2011. Trước đó, vào tối 12-8, Ban Điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế đã tổ chức lễ cài hoa hồng và văn nghệ “Kính mừng Vu Lan”. Hàng ngàn tăng ni, phật tử và du khách đang có mặt tại TP Huế tham dự đã tự tay cài cho mình những đóa hoa hồng lên ngực áo với tâm niệm báo đáp ơn nghĩa sinh thành.

* Sáng 13-8, đại diện Báo SGGP đã đến thăm và trao quà cho 117 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa đang được nuôi dưỡng tại chùa Lâm Quang (đường Bến Bình Đông, phường 14 quận 8, TPHCM). Tổng số quà trị giá 12,5 triệu đồng do đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc và những người bạn gửi tặng thông qua Quỹ Từ thiện Báo SGGP, nhân mùa Vu Lan 2011.

TP Hồ Chí Minh: Thực phẩm chay tiêu thụ mạnh trong dịp Lễ Vu Lan

Ngày 13/8, qua khảo sát qua các cửa hàng và chợ bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh như Bến Thành, Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi… các loại rau củ, quả và thực phẩm chay tiêu thụ mạnh và hút hàng nhưng giá chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Một số loại thực phẩm chay được ưa chuộng như đậu hũ, mì căn, chả chay, bún tươi, bánh cuốn… lượng tiêu thụ gấp đôi ngày thường.

Các tiểu thương ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) cho biết, hàng năm đến tháng 7 âm lịch thì các loại rau củ, quả bán rất chạy vì nhiều người dân ăn chay và các chùa cần lượng thực phẩm lớn để phục vụ cho các ngày lễ.

Các mặt hàng thực phẩm chay đóng gói, đóng hộp được bày bán đa dạng với nhiều chủng loại như há cảo giá 18.500 đồng/300gr, chả giò 29.300 đồng/400gr, hoành thánh 20.600 đồng/300gr, chả lụa chay 26.000 đồng/500gr… Một số loại thực phẩm đóng hộp khác có giá trung bình từ 10.000 – 20.000 đồng/hộp.

Theo chị Bích Thảo, chủ cửa hàng thực phẩm chay trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận 1) cho biết, thực phẩm chay bán trên thị trường hiện nay chủ yếu được sản xuất trong nước. Năm nay, giá thực phẩm chay tăng nhẹ so với cùng thời điểm này năm trước, mỗi loại trung bình tăng 1.000 – 5.000 đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm chay dịp Lễ vu lan, các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng rau củ và quả thực phẩm chay. Từ nay cho đến hết ngày 28/8, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart có chương trình khuyến mãi các mặt hàng tươi sống như bắp cải thảo Đà Lạt giá 8.900 đồng/kg, bầu 8.900 đồng/kg, bắp cải tím Đà Lạt 9.500 đồng/kg, táo hồng Phan Rang 9.900 đồng/kg…

Hệ thống siêu thị Big C giảm giá 5% nhiều mặt hàng trái cây: chôm chôm giá 4.900 đồng, nhãn xuồng 19.900 đồng/kg, cam sành loại nhỏ 21.000 đồng/kg. Riêng tại Lotte Mart Nam Sài Gòn giảm giá đến 40% đối với các mặt hàng thực phẩm chay như nấm kim châm, nấm bào ngư trắng, đậu hũ trắng, đậu hũ chiên, rau mồng tơi, bí đỏ. 

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục