Vụ tàu vỏ thép tại Bình Định gỉ sét: Nguyên nhân do làm “dối”

Theo 2 chuyên gia được UBND tỉnh Bình Định mời từ TP HCM, hàm lượng Mangan (Mn) trong thép thiếu không phải là nguyên nhân gây gỉ sét nặng trên 4 con tàu vỏ thép đóng theo NĐ67, do Công ty Đại Nguyên Dương đóng mà do làm “dối”, không có biện pháp bảo vệ tàu theo quy định.
Cuộc họp giữa các bên để thống nhất khắc phục 4 tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Ảnh: NGỌC OAI
Cuộc họp giữa các bên để thống nhất khắc phục 4 tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Ảnh: NGỌC OAI

Báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Định gửi Tổng cục thủy sản (1-9), trong đó kết quả kiểm tra thực tế của 2 chuyên gia là PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn và PGS.TS Hoàng Trọng Bá cho thấy: Việc các tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ sét nặng, nguyên nhân chính không phải do vật liệu đóng tàu mà do không có biện pháp bảo vệ tàu theo quy định (bao gồm bảo vệ điện hóa và sơn phủ theo quy định cho tàu vỏ thép).

Về thành phần Mangan (Mn) thấp hơn QCVN 21:2010/BGTVT, chuyên gia nhận định Mn không ảnh hưởng đáng kể đến độ ăn mòn với hàm lượng đó, có thể sửa chữa và sơn lại 4 tàu vỏ thép. Và phải lập quy trình và thực hiện sơn lại vỏ tàu theo quy định; cùng với đó các chuyên gia đề nghị cần thiết kế lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động vỏ tàu bằng điện hóa cho vị trí tàu chìm dưới nước; cần phủ epoxy trên sàn tàu và các thiết bị trên boong tàu theo đúng quy định tàu biển; kiểm tra siêu âm toàn bộ, mài nhẵn, sơn phủ các mối hàn trên tàu…

Vụ tàu vỏ thép tại Bình Định gỉ sét: Nguyên nhân do làm “dối” ảnh 1 Tàu vỏ thép hư hỏng, gỉ sét nặng không phải do hàm lượng Mn thấp mà do DN làm dối.  Ảnh: NGỌC OAI
Báo cáo của PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn cho thấy: Vật liệu làm vỏ tàu của Công ty Đại Nguyên Dương là tấm thép chủng loại AB/A (độ dày 6 mm, 8mm, 10mm), có nguồn gốc Trung Quốc, thành phần hóa học Mangan (Mn) 0,53 – 0,57; dựa theo chứng thư giám định của Công ty Vinacontrol, hàm lượng Mn trên 4 tàu đều không đạt yêu cầu.

Tuy vậy, tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước đều không đề cập đến vai trò chống ăn mòn của Mn trong thép cac bon thấp vì nó ảnh hưởng không đáng kể đến ăn mòn với hàm lượng đó trong thép; kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, thép đạt thành phần hóa học hay không đạt đều bị gỉ sét như nhau trên 4 con tàu do nhà máy đóng. Căn cứ vào tàu vỏ thép BĐ 99018TS của ngư dân Võ Tuân, khi đã đạt thành phần hóa học và cơ tính theo QCVN 21:2010, nhưng cũng bị gỉ sét.

Kết quả trên được Sở NN&PTNT Bình Định gửi Tổng cục Thủy Sản và được lãnh đạo tổng cục đồng ý.

Sáng nay 8-9, Sở NN-PTNT Bình Định đã triệu tập cuộc họp giữa các bên để đi đến thống nhất xây dựng phương án sửa chữa đối với 5 tàu vỏ thép bị hư hỏng, gỉ sét do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.

Tuy vậy, có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với kết quả kiểm tra thực tế của các chuyên gia. Bởi ngay trong báo cáo của họ cũng trích dẫn: “Do tài liệu cung cấp để giám định vật liệu làm vỏ tàu khi đóng còn ít, không có ảnh kim tương (ảnh tổ chức hiển vi) của các vật liệu, các quy trình hàn và sơn; vật liệu sơn chưa rõ thành phần nên không thể có cái nhìn toàn cảnh về vật liệu và công nghệ chế tạo vỏ tàu”- trích từ báo cáo của PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn.

Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ trình bày quan điểm: “Trên đây là kết quả của cá nhân các chuyên gia, chưa có tính pháp lý. Chứ chiếu theo tính pháp lý, dựa theo QCVN 21:2010/BGTVT thì rõ ràng doanh nghiệp đòng tàu sai hoàn toàn; Nhưng do các ngư dân họ bải hoải lắm rồi nên đành chấp nhận. Chứ kiện ra tòa thì phải mất đến 1 năm thậm chí hơn, họ làm sao chịu nỗi…”

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ thêm: “Hậu quả sau này thì tôi sẽ chịu, quay đi quẩn lại cuối cùng thì mọi chuyện cũng vậy rồi đâu lại vào đó; thép Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều như nhau hết. Nói vậy thì chúng tôi hết đường, đành chấp chận thôi chứ còn đường nào khác được…”

Tuy vậy, ngư dân Mai Văn Chương tuyên bố: “Chúng tôi thống nhất để nhà máy khắc phục, sơn sửa nhưng phải có thời gian cụ thể không được dây dưa, kéo dài rồi này nọ. Nếu kéo dài tháng này qua tháng khác thì tôi đề nghị cứ tháo thép ra thay thế lại theo hợp đồng thép Hàn Quốc, Nhật Bản cho chúng tôi. Đồng thời nếu sửa chữa như các chuyên gia thì doanh nghiệp phải bồi thường tiền lỗ biển nằm bờ, chênh lệch giá thép lại cho chúng tôi…”

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định giải thích: “Chuyên gia được mời về tư vấn là các nhà khoa học, được đơn vị nhà nước thống nhất và kết quả kiểm tra của họ đã được kiểm tra lại mới đi đến bước cuối cùng. Trước đó, sau khi có báo cáo của 2 chuyên gia, Sở NN-PTNT Bình Định đã trình lên Tổng cục Thủy sản để xin ý kiến và đã được lãnh đạo của Tổng cục Thủy sản đồng ý, giao cho Trung tâm Đăng kiểm trả lời đề xuất của sở. Thế nên, kết quả kiểm tra thực thế của các chuyên gia đã có tính pháp lý rồi…”

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết: “Hoàn toàn thống nhất theo phương án khắc phục của các chuyên gia và cơ quan chức năng. Nếu không có gì trở ngại thì 3 ngày chúng tôi khắc phục xong 1 tàu, 15 ngày sẽ xong hết…”

Ngư dân Võ Tuân trình bày: “Riêng việc khắc phục, sơn sửa tàu của tôi công ty làm kiểu đó là không được. Quá chậm chạp, sơn được một lớp thì cho công nhân bỏ về hết để không đó. Tôi yêu cầu nhà máy trong tuần nay phải khắc phục xong con tàu của tôi. Với lại phải khắc phục đường hoàng, bắn cát sạch sẽ theo quy trình không được làm dối, cẩu thả…”

Theo ông Phan Trọng Hổ, qua buổi họp tất cả các bên đã đồng ý thống nhất khắc phục thép theo ý kiến của chuyên gia được Tổng cục Thủy sản thông qua.

Việc khắc phục tàu của Cty Đại Nguyên Dương được Sở NN-PTNT Bình Định “chốt” đến ngày 27-9 là xong. Đơn vị này cùng phối hợp với Ngân hàng BIDV xem xét để tính toán lại giá trị chênh lệch thép, tiền nằm bờ để bồi thường cho các ngư dân.

Tin cùng chuyên mục