Trong ngày hội việc làm của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, chia sẻ: “Sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Những lao động trẻ có kiến thức và tay nghề sẽ không lo lắng bị thất nghiệp khi nền kinh tế hội nhập”.
Tuy nhiên, trăn trở của ông Võ Quang Huệ là làm sao để phát triển nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng cao hơn về trình độ cũng như tay nghề. Để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt, theo các chuyên gia nên bắt đầu từ lực lượng học sinh, sinh viên. Lực lượng trẻ này cần lên chương trình hành động để học tập cũng như luyện tay nghề nhằm đáp ứng mục tiêu, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát đầu quý 3-2015 của Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, gần 50% doanh nghiệp tham gia cho biết có nhu cầu tuyển sinh viên thực tập từ nay đến năm 2017. Các doanh nghiệp Đức rất quan tâm đến người lao động trẻ có kiến thức và tay nghề trên nhiều lĩnh vực, từ sinh viên cao đẳng nghề đến cử nhân, kỹ sư đại học. Để tìm kiếm nguồn nhân lực có tay nghề, các doanh nghiệp đã hợp tác về nhân lực với các trường học tại Việt Nam. Sinh viên sẽ được nhận vào thực tập tại các doanh nghiệp Đức, từ đó tạo ra nhiều cơ hội để sinh viên cọ xát với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, các ngày hội việc làm cũng đã tạo ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên và người lao động. Sau khi tham gia ngày hội việc làm năm 2015 của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, sinh viên Nguyễn Đăng Khoa (năm 3, khoa Cơ khí Trường Đại học Bách khoa TPHCM) đã tìm được việc làm bán thời gian tại một công ty Đức. “Được làm việc khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp em có điều kiện nâng cao trình độ, tay nghề, đồng thời chuẩn bị hành trang để khi ra trường sẽ tự tin hơn trong công việc”, Đăng Khoa cho biết.
Hiện có hơn 180 doanh nghiệp Đức đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với các ngành nghề trọng tâm là các lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và đào tạo nghề. Bên cạnh việc tìm kiếm lao động có chất lượng tại các trường học, nhiều doanh nghiệp Đức còn chủ động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho mình và cung cấp cho thị trường. Năm 2013, Bosch đã đầu tư 1 triệu USD để thành lập Trung tâm Đào tạo kỹ thuật công nghiệp theo tiêu chuẩn đào tạo nghề của Đức (tại Đồng Nai). Trung tâm đã giúp hỗ trợ đào tạo nghề chất lượng cao cho lực lượng lao động địa phương. Theo ông Jens Ruebbert, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Đức sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho lực lượng lao động trẻ có trình độ và tay nghề.
HỒNG HẢI