
Anh Văn Công Ron, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Hiệp (H.Củ Chi, TPHCM) dẫn chúng tôi vào thăm nhà ông Lê Thanh Cần, thương binh nặng 1/4, đồng thời là một hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam vượt khó điển hình của xã.
Như bao thanh niên yêu nước thời chống Mỹ, ông Cần cũng tham gia lực lượng du kích đánh giặc ngay tại quê hương đất thép. Trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết Mậu Thân 1968, ông bị thương cánh tay trái và “lãnh” 2 viên đạn vào ngực phải. Đến nay, đầu đạn vẫn còn nằm nguyên trong người ông.
Sống quá lâu trong vùng bị nhiễm chất độc da cam nên đôi mắt ông giảm dần thị lực, sau giải phóng vài năm thì mù hẳn. Nỗi đau tinh thần càng thêm chồng chất khi đứa con trai của ông sinh ra không bình thường như những người khác.
Anh Lê Văn Lợi, con ông, do bị di chứng của chất độc da cam nên đến nay đã ngoài 30 tuổi nhưng tay chân co quắp, nằm liệt giường, không nói, không nhận thức, cơ xương ngày càng co rút. Hàng ngày khi vợ lo việc đồng áng thì ông phải ở nhà mò mẫm làm vệ sinh và đút từng muỗng cơm cho đứa con tật nguyền.

Ông Lê Thanh Cần bên người con bị di chứng chất độc da cam. Ảnh: TRẦN VĂN THI
Đầu năm 2008, Quỹ Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam thông qua Hội Chữ thập đỏ địa phương cấp cho gia đình ông một con bò cái, tương đương số tiền 7 triệu đồng, làm kế sinh nhai.
Có bò, ngoài việc chăm bẵm cho đứa con tật nguyền, hai vợ chồng ông cố gắng coi sóc con vật cứu cánh của gia đình.
Không phụ công người, con bò mẹ sinh được con bê đầu tiên. Chú bê con khỏe, “đẹp” được giao lại cho hộ nông dân nghèo khác theo quy định của chương trình, còn con bò mẹ thuộc về gia đình ông Cần. Như vậy, lần đầu tiên trong đời tự tay vợ chồng ông đã “tậu” được cho mình một món tài sản sống trị giá gần chục triệu đồng.
Ông Lê Văn Cần tâm sự: “Tôi và con tôi mang tật do di chứng chiến tranh, nhưng bản thân tôi đã vượt qua nỗi đau tinh thần, nỗi đau thể xác để tồn tại. Tôi còn sức lực ngày nào thì còn phấn đấu để sống có ích cho chính mình và mọi người”.
Cũng là gia đình có nạn nhân chịu di chứng của chất độc da cam, hộ bà Huỳnh Thị Mon ở ấp Phú Trung, xã An Phú nằm trong diện xóa đói giảm nghèo, nhưng do cố gắng làm ăn nên không những đã thoát nghèo mà đến nay đời sống kinh tế đã đi vào ổn định.
Ông Trần Văn Sĩ, chồng bà Mon, trước kia tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau 1975 ông tiếp tục tình nguyện tham gia chiến đấu tại mặt trận 479 (chiến trường Campuchia).
Lúc giải ngũ về nước, hai vợ chồng sinh thêm đứa con thứ ba tên Trần Quốc Bình thì xảy ra nhiều hiện tượng lạ. Ban đầu Bình thường kêu đau nhức hai chân, thời gian sau thì chân bắt đầu có hiện tượng teo tóp, biến chứng quặt quẹo, việc đi lại giống như cực hình. Bà Mon đưa con đi khám thì mới biết con mình bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Năm 2003, nhờ chương trình hỗ trợ gia đình nạn nhân chất độc da cam cấp vốn với số tiền 7,5 triệu đồng, hai vợ chồng bà Mon mua một con bò và một con heo nái.
Đến nay, bà đã có một “gia tài” với đàn bò 5 con và đàn heo 11 con khỏe mạnh, đang chờ ngày xuất chuồng. Riêng em Trần Quốc Bình, dù bị di chứng chất độc da cam, nhưng em đã vượt qua nỗi đau thể xác, thi đậu tốt nghiệp cấp 3 và đang theo học Trường Kỹ thuật Cao Thắng tại TPHCM.
Bà Văn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Củ Chi, cho biết, toàn huyện có 474 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam với 514 nạn nhân trực tiếp. Nhiều người trong số họ đã cố gắng lao động vươn lên trong cuộc sống. Ý chí của họ rất đáng được trân trọng, đáng được nhận nhiều sự hỗ trợ, động viên hơn nữa của cộng đồng…
Mai Nguyễn