Vượt lên hoàn cảnh

Bị tai nạn giao thông, do gia cảnh nghèo khó không tiền chạy chữa nên một chân của cậu bé Lê Hữu Hiếu (xã Yên Lạc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) phải mang tật. Bằng nỗ lực hiếm có, cậu đã vươn lên học giỏi và đậu thủ khoa trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với số điểm tuyệt đối 30, và nay đang là sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM.
HỌC BỔNG NGUYỄN VĂN HƯỞNG NĂM 2018
LTS: Ngày 9-6 sắp tới, Báo SGGP tổ chức lễ trao Học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 20. Năm nay Hội đồng quản lý quỹ quyết định trao 141 suất học bổng cho sinh viên ngành y, với tổng trị giá 1,191 tỷ đồng, gồm: 50 suất học bổng hàng năm (6 triệu đồng/suất); 80 suất học bổng toàn khóa (6 triệu đồng/suất/năm, liên tục trong 6 năm học), trong đó bà Tạ Trung Quấc tài trợ 60 suất và Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn tài trợ 20 suất; 10 suất học bổng toàn phần (25 triệu đồng/suất/năm, liên tục trong 6 năm học) và 1 suất học bổng hỗ trợ (10 triệu đồng/suất) do Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh tài trợ; và hỗ trợ nữ hộ sinh thôn bản (30 triệu đồng). 
Từ số báo này, Báo SGGP lần lượt giới thiệu 4 sinh viên vinh dự được nhận học bổng toàn phần năm 2018 (liên tục trong 6 năm học, với học bổng trị giá 25 triệu đồng/suất/năm).
Bị tai nạn giao thông, do gia cảnh nghèo khó không tiền chạy chữa nên một chân của cậu bé Lê Hữu Hiếu (xã Yên Lạc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) phải mang tật. Bằng nỗ lực hiếm có, cậu đã vươn lên học giỏi và đậu thủ khoa trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với số điểm tuyệt đối 30, và nay đang là sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM.
Gia cảnh đặc biệt
Chúng tôi đến xã Yên Lạc, hỏi thăm tìm nhà em Lê Hữu Hiếu. Vào nhà Hiếu ở Châu Thôn 2, ngôi nhà mới đang được xây cất phía trước không che lấp được căn nhà cũ thấp lè tè phía sau.
Hơn 10 năm qua, kể từ khi vợ chồng chị Lưu Thị Châu (mẹ Hiếu) sinh người con thứ 3, cả 5 người phải chui vào chui ra ngôi nhà nhỏ 20m2, thay nhau ngủ nghỉ trên một chiếc giường và một cái võng.
Đồ đạc quý giá nhất trong nhà là những tấm giấy khen của Hiếu và 2 em (hiện em kế của Hiếu học lớp 11, em út học lớp 7).
Trong ngôi nhà chỉ có một bóng điện treo giữa cửa ra vào. Để tiết kiệm điện, vợ chồng chị Châu đã nhờ người dỡ mấy viên ngói và gắn lên một tấm kính trong suốt để ban ngày lấy ánh sáng trời. Vào ngày nghỉ, 3 anh em Hiếu học bài bằng ánh sáng xuyên xuống từ tấm kính ấy. 
Vượt lên hoàn cảnh ảnh 1 Chị Châu gìn giữ và tự hào với những tấm giấy khen thành tích học tập của các con
Chị Lưu Thị Châu không giấu niềm vui lẫn sự lo lắng: “Nói thật là gia đình tôi phải liều lắm, rồi nhiều người động viên, giúp đỡ, mới dám làm nhà mới. Vì nghĩ cũng tội con, 3 đứa đã lớn nhưng vẫn phải ở cùng bố mẹ trong căn nhà cũ nát cất mấy chục năm nay”.
Để xây ngôi nhà mới, vợ chồng chị Châu được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 30 triệu đồng, huyện hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của bà con, chính quyền địa phương. Gia đình chị Châu là hộ nghèo của xã. Anh Lê Hữu Hưng (chồng chị Châu) là lao động tự do.
Trước đây anh thường ra Hà Nội làm phụ hồ, từ khi Hiếu vào TPHCM học, anh theo vào cùng con và xin được một chân giữ xe. Chị Châu hiện bị hỏng mắt phải do đục thủy tinh thể, không nhìn thấy được. Thu nhập của cả nhà chủ yếu trông vào 5 sào ruộng. Nếu mùa màng thuận lợi thì mỗi vụ thu khoảng 1 - 1,5 tấn thóc.
Niềm tự hào của quê hương
Chị Châu nhiều lần không kìm được xúc động khi kể chuyện về Hiếu. Vào năm lớp 1, Hiếu ra đường chơi, chẳng may bị xe tông. Thấy con kêu đau, vợ chồng chị xem và nghĩ là con chỉ bị đau phần mềm. Sau đó, cháu vẫn kêu đau nhưng túng bấn quá nên bố mẹ chỉ đưa cháu đi khám qua loa rồi về. Đến khi tình trạng chân Hiếu nặng hơn, người cô đưa cháu đi Hà Nội chữa thì đã muộn.
Một chân Hiếu bị teo, không phát triển được bình thường. Thấy gia cảnh cháu quá khó khăn, nên người cô đưa Hiếu về nhà mình ở huyện Quan Hóa nuôi ăn học 4 năm cấp 2.
Năm lớp 9 Hiếu đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tuy chỉ đoạt giải khuyến khích nhưng là học sinh duy nhất của huyện Quan Hóa đoạt giải. Hết lớp 9, Hiếu xin về nhà rồi thi và đậu vào Trường THPT Yên Định 1.
Thời gian đầu, vì nhà xa trường khoảng 10km nên Hiếu phải ở trọ. Nhưng sau thấy ở trọ quá tốn kém nên Hiếu xin bố mẹ cho về. Từ đó, ngày ngày Hiếu vẫn vất vả đạp xe đến trường.
Chị Châu kể: “Có lần thầy giáo thấy cháu biểu hiện mệt mỏi, uể oải, gặng hỏi mãi thì cháu thú thật là do đói. Sau đó, thầy tìm về nhà và thương cảm khi hay nhà cháu khổ thế này. Từ khi biết gia cảnh của cháu, các thầy cô giáo, các bạn quan tâm giúp đỡ nhiều lắm”.  
Ngày Hiếu đỗ thủ khoa kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 trở thành ngày vui không chỉ của gia đình chị Châu, mà của cả dòng họ, làng xã. Ông Lê Văn Phấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, chia sẻ: “Thành tích học tập của cháu Hiếu đúng là niềm tự hào chung của địa phương, làm rạng danh không chỉ cho gia đình mình mà còn cho cả xã”.

Tin cùng chuyên mục