Xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực y dược: Vướng… cơ chế

Bộ Y tế cho biết, tính đến năm 2015, ngành cần có 976.033 cán bộ y tế để tạm đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, số cán bộ y tế cần bổ sung từ nay đến 2015 là 704.844 người và số cần đào tạo hàng năm là 78.320 người. Tuy nhiên, năng lực đào tạo (khóa 2007 - 2013) chỉ khoảng 27.300 người. Trong khi đó, một trong những phương án để phát triển nguồn nhân lực y dược là xã hội hóa đào tạo thì vẫn đang bị bó hẹp.
Xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực y dược: Vướng… cơ chế

Bộ Y tế cho biết, tính đến năm 2015, ngành cần có 976.033 cán bộ y tế để tạm đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, số cán bộ y tế cần bổ sung từ nay đến 2015 là 704.844 người và số cần đào tạo hàng năm là 78.320 người. Tuy nhiên, năng lực đào tạo (khóa 2007 - 2013) chỉ khoảng 27.300 người. Trong khi đó, một trong những phương án để phát triển nguồn nhân lực y dược là xã hội hóa đào tạo thì vẫn đang bị bó hẹp.

  • Vùng sâu, vùng xa: chỉ 3,3 bác sĩ/vạn dân

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy chỉ số cán bộ y tế phục vụ 10.000 dân từ năm 1990 - 2006 tăng dần từ 26,5 cán bộ lên 32 cán bộ/10.000 dân. Tuy nhiên, so với các ngành kinh tế khác, sự tăng trưởng này quá chậm và số lượng cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cả hệ thống y tế.

Theo số liệu của Bộ Y tế, số bác sĩ phục vụ 1 vạn dân từ năm 2001 - 2006 tăng bình quân từ 4,1 bác sĩ lên 6,2 bác sĩ/vạn dân, nhưng các tỉnh vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này rất thấp, như Đồng Tháp chỉ đạt 4,2 bác sĩ/vạn dân; Lai Châu 3,3 bác sĩ/vạn dân…

Đối với khu vực bệnh viện, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ cần phải đạt là 2,5 - 3,5, nhưng hiện mới đạt 1,7/bác sĩ, và càng ở bệnh viện tuyến trên thì tỷ lệ này càng thấp. Riêng ngành dược, nếu chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển giai đoạn 2001 - 2010 phải phấn đấu có 1,5 dược sĩ/vạn dân, thì chỉ số này vẫn còn quá thấp, nhất là các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn hiện Đồng Tháp có tỷ lệ dược sĩ đại học chỉ 0,2/vạn dân; Lai Châu là 0,1/vạn dân; Đồng Nai là 0,21/vạn dân…

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long, hiện tổng quy mô đào tạo của tất cả các trường đại học, cao đẳng y dược bình quân 4 năm (2004 - 2008) là 31.907 sinh viên, thấp hơn nhiều quy mô đào tạo của các khối ngành khác…

Quy mô, hình thức đào tạo ngành nghề y dược chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ảnh: Tường Lâm
Quy mô, hình thức đào tạo ngành nghề y dược chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ảnh: Tường Lâm
  • Tư nhân sẵn sàng nhưng...

Mặc dù quy mô đào tạo của các trường không lớn, nhưng việc xã hội hóa trong đào tạo nhân lực y dược lại bị bó hẹp. Hiện chỉ có vài trường đại học, cao đẳng ngoài công lập có đào tạo ngành nghề y dược. Tại TPHCM, năm 2007, Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành (do tư nhân đứng ra thành lập) được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cho phép mở ngành đào tạo điều dưỡng đa khoa bậc trung cấp, đến nay đã tuyển sinh được một lượng sinh viên đáng kể.

Theo ông Đinh Ngọc Đệ, Phó hiệu trưởng nhà trường, việc mở thêm ngành đào tạo điều dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội, sớm tạo nguồn cung cấp nhân lực điều dưỡng có chất lượng không những cho TPHCM mà cho cả các cơ sở y tế trong cả nước.

Có thể thừa nhận, ngoài các trường y dược chính quy công lập như các đại học Y Dược TPHCM, Y Dược Hà Nội, Cần Thơ và các trường cao đẳng, trung cấp được cấp ngân sách và chỉ tiêu nhà nước thì việc các trường tư thục đứng ra đào tạo ngành nghề y dược là đáng ghi nhận, nhưng đó chỉ là con số nhỏ nhoi.

Còn trên thực tế có không ít tư nhân sẵn sàng đứng ra thành lập trường đào tạo nhân lực y dược, kể cả đại học và liên kết quốc tế nhưng còn vướng quá nhiều cơ chế. Với 8 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện tư nhân Triều An (TPHCM) phát triển từ quy mô 200 giường bệnh lên 350 giường với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, nhưng theo BS Nguyễn Hải Nam, Tổng Giám đốc bệnh viện, thì nhân lực cho bệnh viện đang là vấn đề nan giải. BS Nguyễn Hải Nam cho rằng, hiện công tác xã hội hóa y tế thực hiện rất tốt về mặt khám chữa bệnh, nhưng về đào tạo thì chưa có trường đại học y dược tư nhân nào.

Trong khi các ngành nghề khác thì không chỉ tư nhân trong nước mà cả nước ngoài cũng đã nhảy vào đào tạo. Bệnh viện Triều An đã có kế hoạch và gởi hồ sơ xin thành lập trường đại học y dược tư nhân từ 5 năm nay nhưng gặp không ít cơ chế rối rắm về đất đai, mặt bằng, thủ tục, dù đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn tài chính và nhân lực.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ (hệ thống bệnh viện đa khoa tư nhân Hoàn Mỹ) cũng phải có kế hoạch chủ động đào tạo đội ngũ y khoa có chất lượng cao để không chỉ phục vụ cho chính mình mà cung cấp cho xã hội. Hoàn Mỹ cũng đã kiến nghị xây dựng trường đại học y khoa Hoàn Mỹ để đào tạo nhân lực y dược chất lượng cao theo mô hình liên kết với các nước phát triển.

Việc thành lập trường đại học y khoa tư nhân có liên kết với các trường đại học quốc tế như vậy, theo ông Trương Vĩnh Long, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Hoàn Mỹ, là một trong những giải pháp góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt y bác sĩ.

Như vậy, từ thực tiễn nhu cầu nhân lực y dược của xã hội, bên cạnh nâng dần quy mô đào tạo của tất cả các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng y dược, duy trì và mở rộng các hệ đào tạo y dược, thì việc huy động các nguồn lực từ nhân dân theo chủ trương xã hội hóa y tế về mặt đào tạo, bằng cách thúc đẩy thành lập các trường đại học y dược tư nhân là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe người dân

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục