Xã hội hóa nguồn vốn, mở rộng đối tượng

Ngày 31-3, Hội nghị sơ kết Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 và triển khai kế hoạch thực hiện CTBOTT năm 2015 - Tết Bính Thân 2016 do Sở Công thương TPHCM tổ chức đã diễn ra tại Hội trường Thành phố. Đây là năm thứ 14 TPHCM thực hiện CTBOTT các mặt hàng thiết yếu và là năm thứ 3 TP triển khai thành công việc xã hội hóa nguồn vốn bình ổn.
Xã hội hóa nguồn vốn, mở rộng đối tượng

Chương trình bình ổn thị trường năm 2015 tại TPHCM

Ngày 31-3, Hội nghị sơ kết Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 và triển khai kế hoạch thực hiện CTBOTT năm 2015 - Tết Bính Thân 2016 do Sở Công thương TPHCM tổ chức đã diễn ra tại Hội trường Thành phố. Đây là năm thứ 14 TPHCM thực hiện CTBOTT các mặt hàng thiết yếu và là năm thứ 3 TP triển khai thành công việc xã hội hóa nguồn vốn bình ổn.

Sản xuất dầu ăn cung ứng bình ổn thị trường TPHCM tại Công ty Nakydaco.Ảnh: CAO THĂNG

Gắn kết tạo sức mạnh cộng hưởng

CTBOTT là một trong số các chương trình trọng điểm của ngành thương mại TPHCM. Đối tượng tham gia chương trình năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 tiếp tục đảm bảo sự đa dạng về thành phần kinh tế và về loại hình doanh nghiệp (DN). Chủng loại và sản lượng mặt hàng đều tăng so với năm 2013, điểm bán hàng bình ổn cũng không ngừng gia tăng, đạt 8.967 điểm bán, tăng 764 điểm so với đầu chương trình, qua đó mở rộng phạm vi tác động của hiệu ứng bình ổn, tăng cường khả năng ứng phó với biến động thị trường.

Sau 2 năm ngưng sử dụng vốn từ ngân sách thực hiện bình ổn, đến nay cả nước đã biết đến mô hình xã hội hóa CTBOTT của TPHCM. Một lần nữa TPHCM lại dẫn đầu cả nước về đổi mới cách làm, tạo sự đột phá mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ và làm bình ổn trong giai đoạn mới. CTBOTT tại TPHCM đã trở thành bài học điển hình trong việc kết hợp vai trò quản lý nhà nước và phát huy sức mạnh của cộng đồng DN, tạo hiệu ứng lan tỏa cao trong xã hội. Từ nguồn vốn xã hội hóa năm đầu tiên chỉ ở mức 1.960 tỷ đồng, sang năm 2014 đã tăng lên 8.300 tỷ đồng. Trong đó lãi suất cho vay thấp hơn bình quân 1% - 2% so với lãi suất thông thường đã thúc đẩy, tạo điều kiện cho các DN mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho chương trình. Nhiều thương hiệu hàng bình ổn đang vươn lên dẫn đầu thị phần, chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng và giá cả.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, sức lan tỏa từ thành công của CTBOTT tại TPHCM được khẳng định ở nhiều khía cạnh, quan trọng là TPHCM biết khơi gợi mọi nguồn lực xã hội để cùng tham gia bình ổn. Biểu hiện sống động từ nhiều năm qua, mặc dù TPHCM là TP có mức tiêu dùng cao nhất nước nhưng CPI luôn tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI cả nước. Trong quá trình thực hiện TP đã đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, thông qua các tiêu chí rất cụ thể như DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển, sản xuất kinh doanh. Cách làm này cho thấy TPHCM đã vận dụng sáng tạo cơ chế điều hành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Triển khai cùng lúc 4 CTBOTT

Theo Sở Công thương TPHCM, năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 tiếp tục triển khai cùng lúc 4 CTBOTT gồm: CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm; CTBOTT các mặt hàng mùa khai trường; CTBOTT các mặt hàng sữa và CTBOTT các mặt hàng dược phẩm. Tổng số DN tham gia 4 CTBOTT là 85 DN, tăng 9 DN so với năm 2014.

Sản lượng hàng hóa bình ổn thị trường năm 2015 tăng hơn 10% - 20% so với năm ngoái và tăng từ 20% - 35% so với kết quả thực hiện của năm 2014, tùy ngành hàng và mặt hàng. Mặt khác, tại mỗi DN cũng sẽ tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng tốt nhất cho khả năng cung, cầu của TP khi có biến động thị trường. Về giá bán thực hiện cơ chế điều hành linh động, thông qua việc DN tự xây dựng và kê khai giá bán tại Sở Tài chính theo nguyên tắc: xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố cấu thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai giá ít nhất từ 5% - 10%. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5% - 10% so với thời điểm đơn vị kê khai giá bán liền trước, DN sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh. Trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, DN chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết: Năm 2015 dự báo tình hình kinh tế sẽ có tốc độ phát triển cao hơn năm 2014, khả năng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, lãi suất cho vay và lạm phát duy trì ở mức thấp, nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Riêng với CTBOTT, TPHCM tiếp tục hỗ trợ DN phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ nhằm đa dạng nguồn cung hàng hóa, đồng thời tập trung phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ và thương mại điện tử. Năm 2015, TPHCM tiếp tục đưa, góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả và ý nghĩa của chương trình. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với quốc tế, việc khai thác tối đa các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện cho các DN kết gắn để tăng cường hiệu quả của chương trình sẽ là định hướng điều hành, chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo TP. Triển khai tốt CTBOTT sẽ góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TPHCM đặt ra năm 2015.

11.850 tỷ đồng thực hiện bình ổn năm 2015 và Tết Bính Thân 2016

CTBOTT 2015 có tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký là 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng so năm 2014, lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ 0,5% - 2%. Điểm mới của năm nay là TPHCM đã bổ sung thêm gói tín dụng hỗ trợ DN xuất khẩu, nâng tổng số lên 4 gói tín dụng. Cụ thể: gói dành cho DN vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng là 6.100 tỷ đồng, lãi suất từ 5% - 6%/năm; gói dành cho DN ngoài chương trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn thị trường vay ngắn hạn 12 tháng là 2.750 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5% - 8,5%/năm; gói cho DN trong Chương trình vay trung và dài hạn để đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối là 2.100 tỷ đồng, lãi suất từ 7% - 10%/năm; gói tín dụng hỗ trợ DN bình ổn thị trường đẩy mạnh xuất khẩu hạn mức 900 tỷ đồng, lãi suất từ 2% - 4%/năm.

THÚY HẢI - HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục