
Nhiều bà con ở xã Tân Kim huyện Cần Giuộc gởi đơn đến Báo SGGP phản ánh tình trạng băng nhóm côn đồ, lưu manh nổi lên khá nhiều trong thời gian gần đây. Khi gặp băng nhóm này, người dân phải cúi đầu, lẳng lặng đi qua. Nếu vô tình có một cái nhìn, lời nói hoặc cử chỉ mà bọn chúng thấy ghét là họ có thể bị “no đòn”.
Ấp Trị Yên không bình yên

Ông Nguyễn Hữu Thành bị côn đồ đánh, tỷ lệ thương tật 29%.
Ông Nguyễn Hữu Thành (sinh năm 1984) ở ấp Trị Yên xã Tân Kim huyện Cần Giuộc tỉnh Long An vừa bị một nhóm côn đồ 10 người dùng mã tấu chém trọng thương phải chuyển đi cấp cứu. Được biết, vợ chồng ông Thành có cho bà Khuyên (người cùng ấp) mượn 3 triệu đồng để làm vốn mua bán cá.
Ngày 10-11-2007, bà Khuyên cùng chồng là ông Hồng mang 2 triệu đồng đến trả cho vợ chồng ông Thành. Ông Thành thắc mắc vì sao cho mượn 3 triệu đồng mà chỉ trả 2 triệu đồng thì lập tức ông Hồng chửi bới và nhào vô đòi đánh vợ chồng ông Thành với lý do… dám cho vợ ông mượn tiền.
Bà con lối xóm thấy vậy can ngăn, ông Hồng bỏ về. Khoảng 2 giờ sau, ông Hồng dẫn theo tốp thanh niên khoảng 10 người, mỗi người cầm mã tấu dài 0,8m đến nhà ông Thành. Ông Thành vừa bước ra cửa thì bị nhóm người này lao vào chém tới tấp.
Thấy vậy, ông Nguyễn Hoài An (sinh năm 1966, anh em họ với ông Thành) cầm cây gỗ bên hàng rào xông ra giải cứu cho Thành liền bị nhóm thanh niên quay sang chém. Ông An bị chém 2 nhát vào cánh tay. Lúc này, ông Thành lồm cồm dậy nhảy xuống bờ sông Cần Giuộc, thoát thân.
Ông An cũng may mắn chạy thoát được. Bọn chúng la lối, hăm dọa những người trong nhà ông Thành rồi kéo đi. Ông Thành và ông An được người nhà đưa đi cấp cứu. Ông Thành bị thương khá nặng: đứt 2 ngón tay, gãy 1 cánh tay, chấn thương đầu, chân,… tỷ lệ thương tật được giám định đến 29%.
Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng băng nhóm côn đồ đâm, chém kiểu xã hội đen ở ấp Trị Yên. Trước đó, vào đêm 20-10-2006, tại khu vực đình Trị Yên thuộc ấp Trị Yên, một nhóm 3 thanh niên với sắc mặt đằng đằng sát khí đã rượt đuổi đấm, đá túi bụi vào người ông Nguyễn Văn Tám (sinh năm 1953, ở ấp Trị Yên, công nhân bảo vệ tại một công ty ở quận 7).
Ông Tám bị ngã xuống đường liên tục van: “Tha cho tôi, xin lạy mấy anh!”. Tuy nhiên, đám thanh niên vẫn lạnh lùng nói: “Đánh cho mày chết!”. Chúng vừa nói vừa dùng chân đá vào bẹ sườn, đạp vào bụng, ngực, lưng cho đến khi người đàn ông này nằm bất động mới thôi. Ông Tám sau đó đã được vợ và 2 dân phòng xã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Cần Giuộc.
Nhưng do tình trạng ông Tám khá nguy kịch nên bệnh viện này chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo chẩn đoán của Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Tám bị gãy 6 xương sườn, gãy mấu xương sống, tràn máu màng phổi hai bên, chấn thương đầu và vùng bụng kín. Sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Tám mới qua khỏi cơn nguy hiểm. Tỷ lệ thương tật của ông Tám do Tổ chức giám định pháp y tỉnh Long An giám định là 33%.
Được biết, trước khi ông Tám bị đánh, nhà ông Tám bị mất trộm nên ông đến Công an ấp Trị Yên hỏi thăm việc điều tra vụ trộm để tìm lại tài sản và một số giấy tờ quan trọng bị mất. Trên đường quay về nhà, ông gặp 4 thanh niên đang ngồi nhậu bên đường là Phạm Kim Đào, Phạm Công Hiệp, Phạm Thanh Vân, Đàm Văn Lâm.
Đám thanh niên có lời lẽ khiêu khích ông Tám, ông Tám mở miệng nói: “Mấy em nhậu quậy phải không?”. Lập tức, Đàm Văn Lâm cầm ca nước tạt vào mặt, vào người ông Tám. Rồi cả 4 thanh niên hùng hổ xông đến đấm đá túi bụi làm ông Tám té xuống đường bất tỉnh.
Xử lý chậm, án xử còn ít tính răn đe
Từ khi xuất viện về, ông Tám sức khỏe rất xấu, tổn thương cột sống khiến ông không còn lao động được. Vợ ông Tám, bà Châu Thị Hoàng Việt hiện làm điều dưỡng tại Bệnh viện Cần Giuộc, cho biết gia đình bà đã rơi vào cảnh túng quẩn kể từ sau khi chồng bà bị đánh.
Với mức thu nhập chưa đến 2 triệu đồng của bà Việt lại nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học, thuốc thang cho chồng nên chẳng thấm vào đâu. Bao nhiêu gánh nặng gia đình đang đè trên đôi vai người phụ nữ này.
Vụ án này đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Long An xử phúc thẩm, buộc 4 tên phạm tội “cố ý gây thương tích” cho chồng bà bồi thường gần 40 triệu đồng chi phí chữa trị bệnh nhưng đến nay họ vẫn chưa thi hành án. Tòa cũng tuyên phạt 3 tên Đào, Điệp, Vân, mỗi tên nhận lãnh án 1 năm 6 tháng tù.
Theo dư luận quần chúng, mức án tù tòa xử thấp hơn nhiều so với mức Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị là 2-3 năm tù cho mỗi đối tượng gây án. Hơn nữa, đến nay nhóm người đánh ông Tám vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, chưa chấp hành bản án phạt tù.
Còn gia đình ông Nguyễn Hữu Thành cũng rơi vào cảnh khó khăn. Trước đây ông Thành là lao động chính trong nhà. Hàng ngày ông Thành gói bánh đem bán nhưng nay bị đánh thương tật không thể làm việc được. Đến nay cơ quan điều tra Công an huyện Cần Giuộc vẫn chưa khởi tố vụ án.
Ông Nguyễn Hữu Thành cũng đã có đơn yêu cầu cơ quan điều tra Công an huyện Cần Giuộc khởi tố vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” cho ông nhưng chưa thấy công an huyện có công văn trả lời.
Trả lời PV Báo SGGP, Công an huyện Cần Giuộc cho biết: vụ án đang được cơ quan tiếp tục điều tra và sẽ sớm ra quyết định khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” cho ông Nguyễn Hữu Thành. Riêng vụ án “cố ý gây thương tích” cho ông Tám, cơ quan thi hành án huyện cũng đã chuẩn bị thực hiện lệnh bắt giam các đối tượng theo quy định.
Dư luận cho rằng chính việc khởi tố chậm, mức án tuyên phạt còn nhẹ nên nạn côn đồ vẫn tiếp tục hoành hành trên địa bàn xã Tân Kim huyện Cần Giuộc!
TRẦN THANH