Khẩn trương phòng chống bão số 7- Vùng đặc biệt nguy hiểm từ Bình Định đến Ninh Thuận

Khẩn trương phòng chống bão số 7- Vùng đặc biệt nguy hiểm từ Bình Định đến Ninh Thuận

* Bão đang diễn biến phức tạp và có khả năng đổi hướng

Khẩn trương phòng chống bão số 7- Vùng đặc biệt nguy hiểm từ Bình Định đến Ninh Thuận ảnh 1

Bộ đội Biên phòng Phú Yên giúp ngư dân xã An Phú (TP Tuy Hòa) khiêng tàu vào bờ tránh bão (ảnh chụp chiều 23-11). Ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, tối 23-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ vĩ Bắc, 110,8 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.

Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 4 - 5m. Ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Bão số 7 di chuyển chậm và có khả năng đổi hướng, cần chủ động đề phòng khả năng tâm bão đi vào vùng bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, cùng với việc phòng tránh ảnh hưởng của bão trên khu vực giữa và Nam biển Đông.

Sơ đồ dự báo hướng đi của bão số 7.

Sơ đồ dự báo hướng đi của bão số 7.

* Ngày 23-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã họp bàn biện pháp đối phó với bão số 7 và xác định vùng nguy hiểm là khu vực biển Đông từ 16 độ vĩ Bắc đến 10 độ vĩ Bắc, trong đó vùng đặc biệt nguy hiểm từ Bình Định đến Ninh Thuận và vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến thời điểm này thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của bão số 7 là 1 người mất tích và 2 tàu cá bị chìm. Người mất tích là chủ tàu BTh 8368TS Nguyễn Văn Tài trong khi di chuyển tránh bão bị sóng đánh chìm tại đảo Phú Quý. Dự kiến số dân cần di dời tránh bão lên đến 179.123 người, trong đó tại tỉnh Ninh Thuận là 31.500 người (11 xã), Bình Thuận 102.606 người (38 xã), TPHCM 4.857 người, Trà Vinh 6.643 người, Bạc Liêu 33.517 người.

Tính đến 16 giờ ngày 23-11, TP Nha Trang đã di dời 1.590 hộ sống tại khu vực gần bờ biển cùng với 7.560 nhân khẩu tìm nơi trú ẩn phòng khi bão đổ bộ vào Khánh Hòa.

Khẩn trương phòng chống bão số 7- Vùng đặc biệt nguy hiểm từ Bình Định đến Ninh Thuận ảnh 3

Xí nghiệp Quản lý khai tác công trình thủy lợi Thủ Đức gia cố bờ bao sông Sài Gòn. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Tính đến 6 giờ ngày 23-11, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương, ngành thủy sản và gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kêu gọi được 44.135 tàu với 239.728 ngư dân. Trong đó, số lượng tàu, thuyền đã vào tránh trú bão tại vùng biển, đảo của Indonesia, Malaysia là 662 tàu với 3.892 ngư dân (18 tàu với 214 ngư dân Khánh Hòa đã rời vùng biển Indonesia về nước). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 78 tàu với 703 ngư dân vẫn đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm. Hiện Quân chủng Hải quân duy trì 16 tàu thường trực sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Lúc 5 giờ 30 phút ngày 23-11, tại đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, tàu cá Philippines mang ký hiệu 02059 đã vớt được 7 ngư dân Bình Định trên tàu cá BĐ-2483-TS bị nạn trên biển.

Trước đó, tàu cá BĐ-1905-TS có 7 ngư dân do ông Nguyễn Văn May, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng trên đường vào đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa để tránh bão, thì gặp nạn. Đến 10 giờ 40 phút ngày 23-11, tàu cứu nạn của Bộ đội Hải quân đã tiếp cận được chiếc tàu cá này và đưa 7 ngư dân cùng phương tiện vào bờ an toàn. 

L.V. - NG.TH. 

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý trích 160 tỷ đồng (tương đương 10 triệu USD) thuộc Hợp phần 3 Dự án Quản lý rủi ro thiên tai, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) để hỗ trợ các tỉnh đầu tư các dự án khắc phục hậu quả thiên tai về cơ sở hạ tầng. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ 42 tỷ đồng, Hà Tĩnh 39 tỷ đồng, Nghệ An 30 tỷ đồng, Ninh Bình 27 tỷ đồng và Quảng Bình 22 tỷ đồng.

Chiều 23-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đến kiểm tra và đôn đốc công tác đối phó với bão số 7 ở tỉnh Khánh Hòa. Sáng cùng ngày, đoàn cũng đã đến tỉnh Ninh Thuận; đi kiểm tra các điểm xung yếu như cảng cá phường Đông Hải - TP Phan Rang - Tháp Chàm, bờ biển Cà Ná - huyện Ninh Phước, hồ Sông Trâu - huyện Thuận Bắc…

Ngày 23-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng các ban ngành liên quan đã đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh sau lũ tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Bộ trưởng đã chỉ đạo khẩn trương kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở chế biến thực phẩm, nếu cơ sở nào không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì đóng cửa.

Chiều 23-11, Thiếu tướng Trần Minh Hùng, Phó Tư lệnh-Chỉ huy trưởng Tiền phương phòng chống lụt bão Quân khu 5 tại Phú Yên cho biết: Toàn quân khu đã huy động trên 600 cán bộ chiến sĩ bộ đội tập trung và 9.000 dân quân tự vệ, phối hợp với chính quyền địa phương cùng các lực lượng trên địa bàn nhanh chóng triển khai, sẵn sàng ứng phó với bão số 7. Đã sơ tán 33.000 hộ dân ra khỏi nơi nguy hiểm.

L.D. - H. L. - PH.L. -TH. U. TR.L.V.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Ngày 24-11, ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa có khả năng tăng hơn so với 24 giờ qua. Tình hình lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Bắc Khánh Hòa tiếp tục lên, các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam và Tây Nguyên lên lại. Hiện nay, lũ trên các sông đang lên, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt diện rộng có thể xảy ra.


TPHCM và ĐBSCL: Vẫn tập trung cao độ

Chiều 23-11, Phó ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Cần Giờ Nguyễn Thanh Lương cho biết, 150 anh em thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM đã đến thị trấn Cần Thạnh để giúp dân ở các xã ven biển như Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An chằng chống nhà cửa. Trước đó, đã có 280 nhà ven biển ở 3 xã nói trên được người dân chằng chống nhà và mái tôn. Lo ngại bão số 7, kể cả số 8 có thể ảnh hưởng đến Cần Giờ, hiện có khá đông hộ dân những xã ven biển đã di tản vào các quận nội thành đến ở nhà người thân. Trong khi đó, 4 tàu đánh bắt xa bờ huyện Cần Giờ đã vào vùng biển Indonesia để tránh bão, 21 chiếc trú đậu tại Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang và 1.368 chiếc về đến huyện.

* Đến chiều tối 23-11, các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, đề phòng trường hợp bão đổi hướng gây thiệt hại lớn. Tiền Giang tiếp tục chuẩn bị phương án di dời dân tại các huyện ven biển, cù lao. Tại Bến Tre, hơn 7.000 người dân (chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em) ở các xã ven biển, cù lao đã sẵn sàng di dời. Thanh niên địa phương kết hợp với dân quân, bộ đội… gia cố đê bao bảo vệ vùng nuôi thủy sản và vùng cây ăn trái, chằng néo nhà cửa. TP Cần Thơ và các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng đã tập trung gia cố hàng chục điểm đê bao bị sạt lở tại các cồn trên các sông.

Đ.P. - B.Đ. - T.G.

Thông tin liên quan

* Sáng nay: Bão số 7 cách Khánh Hòa - Bình Thuận 190km

* Quyết liệt đối phó với bão số 7 
Báo động cao

* 5165 tàu thuyền vào bờ an toàn, 4 tàu gặp nạn

* Khẩn cấp đối phó bão số 7

* Sáng nay, 21-11: Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Tin cùng chuyên mục