Xăng giảm, giá thực phẩm, dịch vụ không giảm

Xăng giảm, giá thực phẩm, dịch vụ không giảm

Xăng tăng giá kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng… cũng tăng theo. Tuy vậy,  xăng giảm giá, các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ vẫn “dậm chân tại chỗ”. Người tiêu dùng méo mặt, thắt chặt hầu bao; người bán vô tư kiếm lời.

Người dân mua rau, củ tại một chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM

Người dân mua rau, củ tại một chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM

Dạo một vòng quanh các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM, giá bán các mặt hàng rau, củ, quả ngày 19-6 vẫn “ổn định giá”. Nhiều tiểu thương khẳng định sẽ không có chuyện giảm giá bán các mặt hàng thực phẩm. Tại chợ Bà Điểm (Hóc Môn); chợ Bùi Văn Ba (quận 7), chợ An Lạc (Bình Tân) giá đậu que từ 18.000-20.000 đồng/kg; chanh tươi 15.000-20.000 đồng/kg; dưa chuột 9.000 đồng/kg; thịt heo ba chỉ 100.000 đồng/kg… Mức giá này không có gì thay đổi so với cách đây vài tuần.

Chị Nguyễn Thị Bé, tiểu thương chuyên doanh rau, củ tại chợ Cầu Muối, quận 1 cho biết: Chúng tôi cũng muốn giảm giá bán cho bà con, nhưng khó quá. Các xe chở hàng từ chợ đầu mối TP không giảm giá công vận chuyển, ngược lại còn đòi tăng giá từ 5.000-10.000 đồng/chuyến. Nếu giảm giá bán, chúng tôi sẽ lỗ vốn.

Ông Tư Xe, một người chuyên chở thuê bằng xe ba gác máy chia sẻ: Đến chợ đầu mối Hóc Môn lúc 1 giờ sáng, chọn lựa hàng xong, về tới chợ An Lạc cũng 5-6 giờ. Giá ăn uống, chi phí sinh hoạt đắt đỏ từng ngày, thử hỏi không tăng giá làm sao sống nổi. Giá xăng giảm nhỏ giọt không thấm vào đâu.

Ghi nhận giá một số dịch vụ cắt tóc, gội đầu, gửi xe… trên địa bàn quận 6, 10, Bình Thạnh cũng không giảm; thậm chí còn tăng so với cách đây khoảng 2 tuần. Chẳng hạn, giá gửi xe qua đêm tại chung cư Ấn Quang, quận 10 tăng 1.000-2.000 đồng/đêm, ở mức 7.000-8.000 đồng/đêm; giá gội đầu tại một số địa chỉ trên đường Bà Hạt (quận 10) tăng 4.000-5.000 đồng/lượt…

Trả lời nguyên nhân tăng giá dịch vụ, một chủ trung tâm cắt tóc, gội đầu trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh cho rằng giá nhiều dịch vụ, thực phẩm…tăng cao, trong khi giá xăng giảm nhỏ giọt nên họ phải tăng giá. Nếu so sánh, giá gội đầu trung bình tại một số địa điểm gội bình dân vào thời điểm trước Tết 2012 chỉ gần 20.000 đồng, nay khoảng 30.000 đồng; giá giữ xe qua đêm tại chung cư khoảng 5.000 đồng/đêm, nay trên 8.000 đồng/đêm, tùy nơi… thì mọi người mới giật mình thấy giá tăng khủng khiếp.

Tương tự, một số quán ăn bình dân phục vụ công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đã “nhanh chân” tăng giá mỗi suất ăn khoảng 2.000-5.000 đồng; nước trái cây ép từ 1.000-2.000 đồng/ly… Một chủ quán cơm tên Năm, bán tại đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân thừa nhận giá xăng giảm ít nhưng mặt bằng giá mới được hình thành nên không ai muốn giảm giá. “Không tăng nữa là may mắn rồi, làm gì có chuyện giảm giá bán” – bà Năm nói.

Trước nghịch lý giá thị trường “ăn theo” giá xăng, nhưng khi xăng giảm giá không giảm, chúng tôi có dịp trao đổi với một cán bộ công tác tại Sở Tài chính TPHCM, vị này thừa nhận rất khó xử lý những trường hợp nêu trên. “Người dân buôn bán phụ thuộc vào: thời tiết, phí vận chuyển, lao động… Nếu xăng giảm 500 đồng/lít, nhưng lao động thời vụ vẫn muốn trả công cao, đồ ăn, thức uống, mọi chi phí sinh hoạt… không giảm, thử hỏi có tiểu thương nào dám hạ giá bán” – một cán bộ Sở Tài chính TPHCM chia sẻ.

Đại diện một số siêu thị như Co.opMart, BigC, Vinatex… cũng cho biết nhà cung cấp chưa có động thái giảm giá các sản phẩm đưa vào siêu thị.

Như vậy, yếu tố giảm giá đồng bộ không diễn ra theo hy vọng của người dân. Các đơn vị kinh doanh dè chừng, trông chờ, đùn đẩy nhau giảm giá; nhưng không ai thực tâm chấp nhận hạ giá bán, mặc dù giá xăng dầu liên tục giảm. Chỉ có người dân phải gánh chịu mọi chi phí tiêu dùng ngất ngưởng, trong khi quyền lợi  “chảy vào túi” kẻ khác.

Nguyễn Lam

Tin cùng chuyên mục