° Không sử dụng Quỹ BOG, giá xăng có thể phải tăng đến 3.300 đồng/lít
(SGGP).- Trước việc giá xăng bán lẻ tăng tới 1.950 đồng/lít từ tối 5-5, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ phải xem xét để tăng giá cước trong thời gian tới.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trong ngày 7-5, hiệp hội này sẽ tổ chức họp với các doanh nghiệp taxi thành viên tại Hà Nội để tính toán, cân đối phương án kinh doanh. Đại diện một số doanh nghiệp vận tải ở khu vực phía Bắc cũng cho biết sẽ phải tính toán tăng giá cước tương ứng với mức tăng của giá xăng dầu, bởi thời gian qua khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải cũng đã giảm xuống khoảng 12% - 15%.
Theo phân tích của ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng trên 4.000 đồng/lít, vì vậy, Tập đoàn Mai Linh sẽ cân nhắc lại bài toán kinh doanh, lấy ý kiến lái xe trước khi điều chỉnh giá cước. Còn theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM kiêm Phó TGĐ Vinasun taxi, hiện chưa có hãng taxi nào tăng giá. Tuy nhiên nếu tính gộp đợt tăng giá xăng lần này và đợt điều chỉnh ngày 11-3 vừa qua, giá xăng đã tăng khá cao, vì vậy có thể lần này các DN phải tính toán lại chi phí để điều chỉnh giá cước cho phù hợp.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - ông Thái Văn Chung dự báo, chỉ có mặt hàng xăng tăng giá nên nhiều khả năng giá cước vận tải hàng hóa sẽ không tăng do đa số xe vận tải hàng hóa chạy bằng dầu.
Vận tải hành khách và hàng hóa là loại hình kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, chiếm tới 45% chi phí cấu thành của giá dịch vụ vận tải. Đồng thời, giá cước vận tải cũng sẽ có tác động mạnh đến giá nhiều loại hàng hóa khác. Do đó, sau nhiều lần giảm giá xăng dầu về mức thấp trong thời gian qua, nhiều DN kinh doanh vận tải đã hạ giá thành để phù hợp với giá thị trường, đảm bảo lợi nhuận của các DN. Tuy nhiên với sự tăng trở lại của giá xăng lần này, đại diện nhiều DN vận tải khẳng định, giá xăng tăng nhưng dầu không tăng, nên không ảnh hưởng đến giá thành để DN phải tiến hành làm thủ tục thay đổi giá cước.
* Ngày 6-5, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đã thông tin thêm một số nội dung nhằm làm rõ hơn phương án điều hành giá xăng dầu của liên bộ Công thương - Tài chính với việc cho phép tăng giá các mặt hàng xăng 1.950 đồng/lít. Theo cơ quan này, trong chu kỳ điều hành 15 ngày (từ 20-4 đến 4-5), diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến so với bình quân 15 ngày làm căn cứ điều hành giá của lần điều hành gần nhất (13-4-2015). Theo đó, liên bộ đã cho phép các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) với các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu mazut; giữ ổn định giá bán dầu diesel (15.880 đồng/lít), dầu mazut (12.650 đồng/kg); giảm giá bán dầu hỏa (giảm 260 đồng/lít từ 16.070 đồng/lít xuống còn 15.810 đồng/lít); điều chỉnh tăng giá bán xăng không cao hơn mức giá cơ sở tính toán (khoảng 1.950 đồng/lít từ 17.280 đồng/lít lên mức 19.230 đồng/lít).
“Trong lần điều hành này, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước, nhằm giảm bớt mức tăng giá xăng dầu trong nước trước áp lực tăng của giá xăng dầu thế giới nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, liên bộ đã sử dụng đồng thời nhiều các công cụ tài chính khác như thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ BOG” - Cục Quản lý giá cho biết. Cụ thể, đối với mặt hàng dầu (dầu diesel và dầu mazut), liên bộ không điều chỉnh tăng giá bán mà giảm thuế nhập khẩu và tăng mức sử dụng Quỹ BOG để giữ ổn định giá bán các loại dầu này.
Đối với mặt hàng xăng, mặt hàng có biến động giá thế giới tăng cao nhất (14,32%), để góp phần chia sẻ với người tiêu dùng, liên bộ đã cho phép tăng sử dụng Quỹ BOG thêm 446 đồng/lít (từ 991 đồng/lít lên mức 1.437 đồng/lít), phần dư địa còn lại điều chỉnh tăng giá bán xăng tương ứng. Cục Quản lý giá khẳng định, trường hợp không sử dụng Quỹ BOG, giá xăng có thể phải tăng đến 3.300 đồng/lít.
HÀM YÊN - QUỐC HÙNG