Xây dựng phần mềm quản lý việc cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè

Ngày 21-9, UBND TPHCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì.
Buổi họp báo chiều 21-9
Buổi họp báo chiều 21-9

Tại họp báo, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM, thông tin liên quan việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM từ ngày 1-1-2024. Theo đó, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè nhằm hoàn chỉnh các quy định trong quản lý Nhà nước, góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; đảm bảo giao thông an toàn, vệ sinh môi trường đô thị. Đồng thời, khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố, phù hợp với đặc thù đô thị TPHCM, cũng như đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.

Đại diện Sở GTVT TPHCM cho hay, sắp tới, UBND TPHCM sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND TPHCM. Sở GTVT cùng UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện sẽ tiến hành rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè với các chức năng, hoạt động cụ thể.

Đại diện Sở GTVT TPHCM thông tin tại họp báo

Đại diện Sở GTVT TPHCM thông tin tại họp báo

Đối với các hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe, các địa phương có trách nhiệm rà soát trên địa bàn được giao quản lý các vỉa hè đủ điều kiện để tổ chức. Đồng thời, xác định phạm vi, lựa chọn và công bố danh mục các vị trí hè phố được phép tổ chức các hoạt động tạm thời để xây dựng phương án tổ chức thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.

Sở GTVT TPHCM sẽ chủ trì xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép về việc sử dụng tạm thời lòng, lề đường trên toàn thành phố để người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng. Theo đó, người dân hoặc cơ quan chức năng có thể vào phần mềm để kiểm tra thông tin các vị trí lòng đường, vỉa hè được phép sử dụng, phương án sử dụng, mức phí và phản ánh đến cơ quan quản lý (cấp phép, thu phí) các nội dung liên quan đến hoạt động sử dụng lòng đường, hè phố... Thông qua công cụ này sẽ giúp cho người dân tiếp cận, giám sát một cách minh bạch về quản lý trật tự đô thị.

Trước thông tin Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị giáo viên không gọi học sinh trả bài đầu giờ, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT thông tin, trong một hội nghị tổng kết ngành, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nói rõ, giáo viên không được kiểm tra đầu giờ kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt, chứ không phải là không kiểm tra đầu giờ.

Ông Hồ Tấn Minh thông tin tại họp báo

Ông Hồ Tấn Minh thông tin tại họp báo

Theo ông Hồ Tấn Minh, việc đổi mới kiểm tra đánh giá của ngành phải tuân thủ theo các thông tin hướng dẫn. Giáo viên phải thay đổi tư duy để tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh một cách rõ ràng. Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, kiểm tra đánh giá là một hoạt động bình thường trong chương trình giáo dục. Còn hình thức kiểm tra, nội dung kiểm tra do giáo viên thực hiện theo thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên kiểm tra là quá trình chứ không phải kiểm tra bất chợt.

Tin cùng chuyên mục