* TPHCM tổ chức Tòa Gia đình và người chưa thành niên vào tháng 4-2016
(SGGP).- Ngày 18-3, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND và triển khai hướng dẫn của TAND tối cao thành lập các tòa chuyên trách tại các tòa án. Hội nghị được tổ chức tại 66 điểm cầu trong cả nước, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao.
Những năm qua, các tòa án đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp như: đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do viện kiểm sát chuyển đến, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm... Bên cạnh đó, các tòa án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, công khai minh bạch các hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, dù đạt được một số kết quả nhất định, việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính tư pháp trong thời gian qua tại các tòa án chưa đồng đều và còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra. Mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” tại các TAND cấp tỉnh và cấp huyện mặc dù đã thể hiện nhiều ưu điểm, nhưng vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc đối với các tòa án.
Trình bày về những khó khăn phát sinh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin tại tòa án, ông Ngô Tiến Hùng, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết, việc tin học hóa trong hoạt động hành chính làm tăng chi phí an ninh vì phải có các biện pháp bảo mật để chống lại sự tấn công, xâm nhập, ăn cắp dữ liệu của các hacker, tăng chi phí do thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống tin học để thích ứng với công nghệ hiện đại. Từ đó, ông Hùng kiến nghị cần có biện pháp tăng cường an ninh, bảo mật và cấp kinh phí thường xuyên để cập nhật, nâng cấp đối với hệ thống tin học.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TPHCM thông tin: quá trình áp dụng mô hình “Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” tại TAND TPHCM đã khắc phục việc chậm chuyển hồ sơ, bản án, quyết định, thông báo thụ lý, lệnh tạm giam; công tác tiếp nhận và xử lý các đơn, thư kháng cáo, kháng nghị, đơn thư khiếu nại được giải quyết nhanh chóng, kịp thời… Ngoài ra, TAND TPHCM đã lắp đặt các kiốt thông tin tại TAND hai cấp thành phố, nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức nắm bắt các thông tin liên quan đến hoạt động của TAND cũng như kết quả giải quyết các công việc tại tòa án. Bà Hương cũng kiến nghị TAND tối cao xem xét giải quyết những khó khăn về kinh phí do đầu tư thiết bị và chi cho con người.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại các tòa án trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác tòa án nói chung và chất lượng phục vụ người dân khi có việc yêu cầu tòa án giải quyết nói riêng, nhằm xây dựng tòa án công khai, minh bạch, thân thiện, gần dân, phục vụ nhân dân”.
Trong thời gian tới, các đơn vị trong ngành cần chú ý tập trung đầu tư xây dựng các trang thông tin điện tử, các kiốt điện tử cho tòa án để công khai, minh bạch các trình tự, thủ tục tại tòa án; thiết lập các đầu mối, địa chỉ, số điện thoại để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình tại tất cả các tòa án, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của tòa án. Đồng chí Trương Hòa Bình giao Vụ Tổng hợp hoàn thành xây dựng Đề án tòa án điện tử để có thể tiến tới triển khai tòa án điện tử vào năm 2020.
Riêng về tổ chức Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đề nghị TAND TPHCM khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tòa chuyên trách này trong cơ cấu tổ chức bộ máy của TAND TPHCM vào tháng 4-2016, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để tổ chức tại các tòa án khác. “Tòa Gia đình và người chưa thành niên là tòa chuyên trách và thuộc nội dung cải cách tư pháp, đối tượng là trẻ em nên cần phải có phòng xử riêng, có nhà giữ trẻ, có đội ngũ chuyên gia tâm lý, tư vấn, hòa giải để tiến hành các thủ tục khi giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật”, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị.
ÁI CHÂN