Xiếc sẽ không còn voi

Xiếc sẽ không còn voi

Đoàn xiếc nổi tiếng Ringling Brothers, thuộc Feld Entertainment Inc., vừa thông báo đến năm 2018 sẽ chấm dứt sử dụng voi xiếc.

Đây là một sự thay đổi lớn gây nhiều ngạc nhiên của đoàn xiếc vẫn quảng bá là “sô diễn lớn nhất trái đất” này, trong hàng thập niên qua đã đưa loài thú da dày khổng lồ trở thành trung tâm các chương trình xiếc, thành vua của các loài thú xiếc.

Một màn xiếc voi của Ringling Brothers. Ảnh: RINGLING BROS

Rất nhiều thành phố ở Mỹ đã thông qua các quy định “chống xiếc voi” nên khó tổ chức các tour diễn cho 3 đoàn xiếc đến 115 thành phố mỗi năm. Năm ngoái Los Angeles, California, rồi Oakland cấm sử dụng các loại thiết bị như móc để kiểm soát voi khi huấn luyện và diễn xiếc. Đầu năm nay, thành phố Asheville, North Carolina cấm sử dụng động vật hoang dã hoặc động vật ngoại lai biểu diễn ở Trung tâm U.S. Cellular 7.600 chỗ ngồi của thành phố. Alana Feld, phó chủ tịch điều hành Feld nói với AP: “Khán giả dần thay đổi quan điểm. Nhiều người không hài lòng với đoàn xiếc lưu diễn cùng những chú voi”.

Chủ tịch tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA, bà Ingrid E. Newkirk cho biết: “35 năm qua PETA đã phản đối Ringling Brothers cư xử độc ác với voi. Việc lạm dụng những con vật to lớn này xảy ra mỗi ngày, vì vậy nếu Ringling thực sự muốn chấm dứt điều kinh khủng đó sẽ là một ngày để ăn mừng...  Các nhà hoạt động bảo vệ động vật mong muốn tất cả các đoàn xiếc ngưng sử dụng các loài động vật để diễn xiếc.

Đối thủ cạnh tranh chính của Ringling Brothers, đoàn xiếc nổi tiếng Cirque du Soleil, trụ sở ở Canada, tập trung các màn xiếc khai thác năng lực con người và không sử dụng động vật hoang dã. Tuy nhiên, voi vẫn đang được sử dụng tại nhiều đoàn xiếc nhỏ ở Mỹ và những nơi khác như Nga, Pháp, Thái Lan... Các loài động vật vẫn là một phần của Ringling Brothers: cọp, chó, dê, lạc đà Mông Cổ... dù khán giả ngày càng mong đợi xem nhiều hơn các màn xiếc xe thể thao, mạo hiểm và những màn khai thác năng lực con người...

Trong những thập niên gần đây, các nhà hoạt động bảo vệ động vật ngày càng phản đối việc sử dụng động vật có vú như voi và cá voi sát thủ để làm xiếc, yêu cầu đối xử tốt hơn với chúng. Vào năm 2010, cá voi xiếc Tilikum đã giết chết huấn luyện viên Dawn Brancheau ở SeaWorld. Một bộ phim tài liệu là Blackfish đã được làm để tìm lý do cá voi giết người. Các nhà nghiên cứu cho rằng cá voi sát thủ trong điều kiện nuôi nhốt trở nên hung hăng hơn với con người và với cá voi khác. Sau khi phim được phát sóng, nhiều nghệ sĩ đã rút khỏi các buổi biểu diễn tại các công viên của SeaWorld Entertainment Inc., hãng Southwest Airlines cũng chấm dứt quan hệ đối tác tiếp thị với SeaWorld...

Ringling Brothers và các công ty xiếc khác đã đối mặt nhiều thách thức trong nửa thế kỷ qua, với các cáo buộc của các nhà hoạt động bảo vệ động vật rằng việc bắt buộc động vật trình diễn là tàn nhẫn và không cần thiết, cùng sự thu hút của xiếc thú ngày càng giảm và sự gia tăng các chương trình xếc nhào lộn như của Cirque du Soleil, đoàn xiếc đang thống trị toàn cầu. Năm 2011, Feld Entertainment Inc. và Barnum & Bailey Circus phải nộp phạt 270.000 USD vì vi phạm nhiều lần luật quyền lợi động vật từ tháng 6-2007 đến 8-2011, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Sau voi xiếc nghỉ hưu, tiếp theo sẽ là sư tử và cọp?

KHẢ HÂN

Tin cùng chuyên mục